Ngày 22/11, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày diễn ra các cuộc đàm phán bí mật chuẩn bị cho việc ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (22/11/1972), phóng viên TTXVN tại Pháp đã đến thăm ngôi nhà mang tên “Maison du Gros Tilleul”, nơi đã diễn ra những cuộc đàm phán bí mật giữa đại diện hai đoàn là ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger. Đó là ngôi nhà số 106, nằm tại Avenue du Général Leclerc của thị trấn Gif-sur - Yvette, cách Pari hơn 30 km về phía tây nam.
Sân trước của ngôi nhà hòa bình. |
Sau 40 năm, kiến trúc và bề ngoài của ngôi nhà gần như không thay đổi so với những tấm ảnh tư liệu chúng tôi đã được xem. Chỉ một điểm khác biệt, đó tấm biển được gắn trên cổng, mang dòng chữ: “Trong ngôi nhà này, ngày 22/11/1972 đã diễn ra những cuộc đàm phán bí mật về hòa bình ở Việt Nam giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ” (Dans cette maison s’ouvrent le 22 Novembre 1972 les pourparlers de paix au Vietnam entre Henry Kissinger et Lê Duc Tho). Tấm biển màu trắng giản dị khuất sau tán lá đám cây leo đã không mấy thu hút được sự chú ý của khách qua đường hay người dân địa phương, nhưng nó mang một ý nghĩa lịch sử quan trọng, nó gắn liền với một thời kỳ lịch sử của cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam trước đây, với sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Pháp.
Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Pháp, nhà nhiếp ảnh Bernard Minier, chủ nhân ngôi nhà hiện nay cho biết, với tấm biển nhỏ nói trên, ngôi nhà đã được công nhận là một trong rất nhiều các di tích lịch sử ở Pháp, vì thế trong khuôn khổ các tour du lịch quanh thị trấn Gif-sur - Yvette thỉnh thoảng khách du lịch cũng được đưa đến ghé thăm nơi đây. Phía trong của ngôi nhà cũng được sửa lại nhiều, tuy nhiên kiến trúc cơ bản của các phòng vẫn được giữ nguyên, như nơi trước đây là phòng ăn trưa của các đoàn đàm phán nay được chuyển thành phòng khách, và phòng họp chính của các bên đã trở thành studio chụp ảnh của ông Bernard Minier.
Bằng sự chân tình và cởi mở, ông Bernard Minier kể lại lịch sử của ngôi nhà. Ông cho biết thêm, Maison du Gros Tilleul từng là nơi ở của họa sĩ Fernand Leger, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp (PCF), người được giao quản lý căn nhà này từ năm 1955. Sau khi họa sỹ qua đời, PCF đã tạo điều kiện cho Việt Nam sử dụng nơi này (từ tháng 10/1972) để tổ chức các cuộc gặp bí mật với phía Mỹ. Theo ông, nơi đây được chọn làm địa điểm diễn ra các cuộc họp bí mật của phái đoàn Việt Nam và phía Mỹ, vì nó khá kín đáo, xa thủ đô Pari, thuận tiện cho giao thông đi lại, nhất là gần sân bay Orly.
Là người chứng kiến sự kiện lịch sử này, khi đó Bernard Minier còn là một thanh niên 17 tuổi. Bernard Minier đã từng tham gia cuộc biểu tình lớn tại Pari để ủng hộ cuộc chiến tranh vì hòa bình của nhân nhân Việt Nam. Ông nói: “Đây thực sự là một ngày hội mà tôi không thể quên”.
Khi phát hiện ngôi nhà, dù không thể thấy được những gì diễn ra bên trong, nhưng ông biết rằng nơi đó diễn ra sự kiện quan trọng, với sự bảo vệ chặt chẽ của hàng rào cảnh sát. Nhiều phóng viên muốn ghi lại hình ảnh cuộc gặp gỡ giữa ông Lê Đức Thọ và H.Kisinger, đã phải trèo lên mái nhà của người hàng xóm phía sau. Đó là nhà của hai nhà khoa học Việt kiều Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc, những người sáng lập hội Aide à l'Enfance du Vietnam (AEVN - Hội bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp), từng được biết đến ở Pari từ cuối năm 1970 qua hoạt động bán thiếp giáng sinh quanh các nhà thờ để gây quỹ ủng hộ Việt Nam.
Trong cuộc trò chuyện với nhà khoa học Việt kiều Trần Thanh Vân, tại ngôi nhà của chính ông ở phía sau Maison du Gros Tilleul, ông Vân tâm sự dù không biết gì nhiều về cuộc đàm phán bí mật giữa phái đoàn Việt Nam và Mỹ, nhưng gia đình ông vẫn tạo điều kiện thuận lợi để các phóng viên có thể ghi được những hình ảnh lịch sử quý giá khi đó. Ông cho biết thêm, vào thời điểm đó, nhiều tờ báo Pháp như la Croix, le Figaro, … đã có bài ghi lại sự kiện này. Một điểm trùng hợp ngẫu nhiên là cũng trong năm 1972, chính ông đã thảo luận với Tổ chức AEVN để xây dựng Làng trẻ mồ côi Việt Nam SOS tại Đà Lạt vào năm 1974, cùng nhiều công trình khác đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Bài và ảnh: Lê Hà - Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Pháp)