Ngọc thạch Myanmar - miếng mồi béo bở cho thương nhân Trung Quốc

Myanmar là nước có trữ lượng và chất lượng ngọc thạch hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ của chính quyền đối với các mỏ ngọc thạch ở khu vực phía Tây Bắc đang khiến Myanmar thất thu hàng tỷ USD tiền thuế mỗi năm do nạn buôn lậu loại đá quý này qua biên giới Trung Quốc.

Những người "mót" ngọc thạch trong những bãi thải của các công ty khai thác đá quý tại thị trấn Hpakant. Ảnh: Reuters


Tin Tun đi cả đêm trên những vùng đất đầy cuội đá ghồ ghề để tìm kiếm miếng ngọc thạch có kích thước bằng bàn tay. Anh hi vọng vận may một lần nữa lại tới.

“Năm ngoái tôi kiếm được một viên đá trị giá 50 triệu kyat”, Tin Tun cho biết và tiếp tục rảo bước quanh bãi cuội đá nằm ở khu vực hẻo lánh phía Tây Bắc Myanmar. Số tiền mà anh đã may mắn kiếm được tính ra khoảng 50.000 USD, đủ để anh mua đất và xây một ngôi nhà trong làng.

Nhưng hiếm khi thấy những người khai thác ngọc thạch nhỏ lẻ giống như Tin Tun xuất hiện ở những khu vực khai thác với quy mô công nghiệp, do giới quân sự Myanmar kiểm soát và do những nhà tài phiệt có liên hệ với chính quyền đầu tư. Hầu hết ngọc thạch khai thác được tại đây đều chuyển tới Trung Quốc.

Một nửa số ngọc thạch thương mại của Myanmar được bán “ngoài luồng” và sau đó được chuyển qua biên giới Trung Quốc với mức thuế rất thấp hoặc không phải chịu thuế. Điều này làm chính phủ Myanmar thiệt hại hàng tỷ USD tiền thuế, nguồn tiền lẽ ra có thể dùng trong tái thiết đất nước.

Các quan chức Myanmar cũng xác nhận giá trị lượng tiền thuế thất thoát này. Myanmar sản xuất hơn 43 triệu kg ngọc thạch trong năm tài khóa 2011-12 (từ tháng 4/2011 đến tháng 3/2012). Ngay cả khi chỉ được định giá ở mức 100 USD/kg, thì lượng ngọc thạch này cũng trị giá tới 4,3 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu ngọc thạch chính thức chỉ đứng ở mức 34 triệu USD.

Chính sự thất thu này đang là thách thức lớn với Myanmar, đất nước sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, gồm dầu khí, gỗ và kim loại quý, nhưng chỉ một số cá nhân hoặc nhóm người thu lợi. Trong một chuyến thâm nhập tới trung tâm khai thác mỏ hoạt động ngầm ở Hpakant, phóng viên Reuters nhận ra đây là khu vực vô chính phủ, thường xảy ra giao tranh giữa quân đội với những người ly khai dân tộc thiểu số, và những nhà buôn Trung Quốc đổi ma túy để lấy đá quý từ những người phải chôn vùi mạng sống ở các hầm mỏ.

Người Trung Quốc rất chuộng ngọc thạch vì vẻ đẹp và giá trị biểu tượng cho may mắn của nó. Nhiều người tin rằng đeo đồ trang sức ngọc thạch sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng và trường thọ. Ngọc thạch được coi như một khoản đầu tư, đây là nhân tố chính khiến người Trung Quốc chuộng ngọc thạch Myanmar.

Ngọc thạch không có giá trị cao nhưng rất dễ trao đổi. “Chỉ khi không giấu diếm được thì ngọc thạch mới tới được trung tâm đấu giá công khai”, Tin Soe, 53 tuổi, một người buôn bán ngọc thạch ở Hpakant, đề cập tới các cuộc bán đấu giá ngọc thạch chính thức tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar.

Phần còn lại được buôn lậu bởi các xe tải Trung Quốc, được gọi là “xe ngựa”, vượt qua các vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của quân đội Myanmar hoặc Lực lượng Quân đội Độc lập Kachin (KIA), một tổ chức phiến loạn ở khu vực này. Hiệp hội Thương mại ngọc thạch Trung Quốc, một tổ chức nhà nước liên quan tới các công ty Trung Quốc làm ăn trong lĩnh vực ngọc thạch có trụ sở đặt tại Bắc Kinh, đã từ chối đề nghị cho phỏng vấn về tình hình làm ăn ở Myanmar.

Hpakant nằm ở bang Kachin, một vùng nằm xa xôi kẹp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, không nơi nào trên thế giới khai thác ngọc thạch với trữ lượng và chất lượng tốt như ở đây. “Bới đất lên là có vô vàn”, một biểu tượng bên ngoài trụ sở văn phòng Bộ Khai thác mỏ ở Hpakant thể hiện sự dồi dào trữ lượng ngọc thạch ở khu vực này.

Không phải là người dân Myanmar thì rất khó để được chính quyền cấp phép tiếp cận Hpakant, những thương gia Trung Quốc thường nhờ tài xế taxi chở tới đây với giá cắt cổ, cùng với một phần chi phí "lo lót" cho cảnh sát và các trạm kiểm soát quân sự. Lý do công khai cho lệnh cấm tiếp cận với Hpakant là an ninh, vì giữa lực lượng quân sự Myanmar và lực lượng KIA đã diễn ra giao tranh kéo dài nhằm kiểm soát con đường dẫn tới khu mỏ. Lệnh cấm vận nhằm giảm đi những chỉ trích nhắm tới những chủ khai thác ngọc thạch ở đây và cái giá đắt mà họ gây ra: công nhân chết hàng loạt, tỷ lệ nghiện heroin và HIV cao nhất ở Myanmar.

Việc thương nhân Trung Quốc thống trị hoạt động buôn bán ngọc thạch cũng dẫn tới sự oán giận của người Myanmar lan rộng sang các hoạt động khai tác tài nguyên khác của Trung Quốc tại đất nước này. Một dự án xây dựng đập thủy điện trên sông Irrawaddy, thuộc bang Kachin do Trung Quốc đứng đầu trị giá 3,6 triệu USD với mục đích cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam, đã phải hoãn lại vào năm 2011 do sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương.


Đức Trung (theo Global and Mail)
Các nhóm sắc tộc vũ trang Myanmar ký thỏa thuận hòa bình
Các nhóm sắc tộc vũ trang Myanmar ký thỏa thuận hòa bình

Các nhóm sắc tộc vũ trang ở Myanmar đã ký một thỏa thuận khung mở đường cho việc ký kết với chính phủ về một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc về sau này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN