Myanmar, 'mỏ vàng' chờ các nhà đầu tư

Đến Myanmar những ngày này mới thấy được sức hấp dẫn vô cùng của một thị trường mới mở cửa đối với giới đầu tư bên ngoài. Tôi đã thấy thật đúng khi một người bạn ví von rằng Myanmar nay giống như một cô thôn nữ còn trong trắng mà bao chàng trai muốn nhảy vào chinh phục và ai nhanh chân ắt sẽ là người thắng cuộc. Tôi đã nghĩ đến những "anh chàng" doanh nghiệp Việt Nam, dù một số cũng đã nhanh chân và không hề kém cạnh, nhưng “cô nàng” Myanmar vẫn đang là một thị trường tiềm năng khổng lồ đáng để nhiều doanh nghiệp hơn nữa xem xét.


Doanh nghiệp được chào đón


Sau nửa thế kỷ dưới chính quyền quân sự hà khắc cùng những lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nền kinh tế Myanmar gần như không phát triển với cơ sở hạ tầng lạc hậu, hàng hóa thiếu thốn…, khiến Myanmar trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài sau khi nước này mở cửa nền kinh tế cách đây 2 năm.


Ông Maung Maung Lay trong buổi trả lời phỏng vấn các phóng viên ASEAN hôm 7/8 tại Yangon.Ảnh: Hoàng Hường


Hơn nữa, đứng trước ngưỡng cửa của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào năm 2015, Myanmar cần tạo việc làm cho hàng triệu lao động nhằm bắt kịp các nước khác trong khu vực và đầu tư nước ngoài được chính quyền của Tổng thống U Thein Sein cho là cần thiết để thúc đẩy thay đổi kinh tế cũng như cải cách chính trị.


Phó Chủ tịch Liên đoàn Các phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar, Tiến sỹ Maung Maung Lay, cho biết các sản phẩm của Việt Nam đang ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn. Ông nói: "Chúng tôi ngày càng có nhiều hàng hóa từ Việt Nam và người tiêu dùng Myanmar có xu hướng thích chọn hàng Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam có chất lượng cao, giá cả phù hợp và có thể cạnh tranh với hàng hóa của một số nước khác như Trung Quốc, Thái Lan (hiện chiếm thị phần lớn ở Myanmar)".


Ông cho biết Việt Nam và Myanmar có quan hệ tốt, Myanmar luôn chào đón các doanh nghiệp Việt Nam tới đầu tư cũng như xuất khẩu hàng hóa sang Myanmar và cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, hiện có nhiều công ty của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, tài chính và viễn thông, đang làm ăn rất tốt ở Myanmar, như Ngân hàng Phát triển và Đầu tư Việt Nam (BIDV), tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai... Họ cung cấp những sản phẩm về vốn, viễn thông, hàng tiêu dùng và đầu tư vào những dự án xây dựng đường xá, khách sạn, nhà ở…, những lĩnh vực mà Myanmar đang cần để thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như dành nhiều ưu đãi trong chính sách mở cửa.


Ông Maung Maung Lay đặc biệt đánh giá cao dự án xây dựng tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, nhà ở và văn phòng cho thuê hạng sang trị giá 440 triệu USD của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa được khởi công xây dựng gần trụ sở Bộ Công nghiệp Myanmar trên đường Kabaraye Pagoda, một trong những vị trí "vàng" ở cố đô Yangon.


Xây dựng khách sạn - "mỏ vàng" cho giới đầu tư bất động sản


Trong khi thị trường bất động sản trong nước vẫn nguội lạnh do nhu cầu sụt giảm, một số công ty phát triển nhà đất đã tìm được hướng đi mới bằng cách đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Myanmar. Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thấy tiềm năng cũng như nhu cầu to lớn trong lĩnh vực này ở đất nước nổi tiếng với ngôi "Chùa Vàng".


Hiện nay, các phòng khách sạn ở Yangon gần như luôn trong tình trạng không còn trống. Đất nước mới mở cửa này có tổng cộng 9 khách sạn quốc doanh và 678 khách sạn tư nhân cùng 11 khu khách sạn ở những địa điểm thu hút đông khách du lịch.


Trong khi đó, với Chùa Shwedagon 2.500 năm tuổi (thường gọi là Chùa Vàng bởi ngọn tháp chính cao 99m được dát bởi 80 tấn vàng thật và gắn nhiều đá quý) cùng hàng nghìn ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo, Myanmar sau mở cửa đang trở thành điểm đến hấp dẫn và ngày càng thu hút nhiều khách du lịch hơn bao giờ hết. Theo Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar, năm 2012 là năm phá kỷ lục về số lượt khách du lịch quốc tế vào nước này khi đón tới trên 1 triệu lượt khách, tăng 30% so với năm trước và ước tính năm nay cũng đạt mức tăng tương tự 30%.


Với lượng khách tăng mạnh như vậy nên giá thuê phòng khách sạn ở Myanmar cũng "đội" lên nhanh chóng, từ khoảng 50 USD/đêm lên 300 USD/đêm đối với phòng hạng sang. Để giảm tình trạng luôn quá tải cho ngành kinh doanh khách sạn, tháng 6 vừa qua, chính quyền Yangon đã quyết định đưa 4 tòa nhà thuộc sở hữu nhà nước có giá trị lịch sử ra thị trường bất động sản để chuyển đổi chúng thành những khách sạn.


Hiện tại, ở Myanmar có khoảng 35 khách sạn có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 20 khách sạn ở Yangon, chủ yếu thuộc các công ty của Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và Hong Kong (Trung Quốc).


Myanmar có nền văn hóa Phật giáo giống Việt Nam, vị trí địa lý thuận lợi, người dân địa phương hiền lành, chất phác và rất có cảm tình với người Việt Nam cũng như hàng hóa của Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam được cho là có khả năng cạnh tranh ngang bằng với các nhà đầu tư quốc tế trong một số lĩnh vực, đặc biệt về đầu tư xây dựng khách sạn và cung cấp hàng tiêu dùng. Đứng trước cơ hội lớn về đầu tư vào Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ bị tụt hậu so với các công ty trong khu vực nếu họ không thay đổi suy nghĩ để mạnh dạn mở rộng đầu tư sang Myanmar, đặc biệt khi ASEAN trở thành một thị trường chung vào cuối năm 2015, họ sẽ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn nữa từ các nước khác trong khu vực.



Khánh Linh

Trung Quốc và chỗ 'đứng chân' không vững tại Myanmar
Trung Quốc và chỗ 'đứng chân' không vững tại Myanmar

Một sách lược ngoại giao thường được Trung Quốc áp dụng với một số nước láng giềng là xây dựng và duy trì quan hệ "đặc biệt" với chính phủ cũng như giới lãnh đạo các quốc gia này. Tuy nhiên, nhược điểm của sách lược này ngày càng bộc lộ rõ: đó là sự nghi ngại trong lòng người dân các nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN