Nga đặt chân vào Myanmar để bán vũ khí cho Đông Nam Á?

Theo báo "Izvestia", vào mùa thu này, Nga sẽ khai trương Trung tâm dạy tiếng Nga cho các binh sĩ ở Myanmar. Theo chương trình, các học viên khi tốt nghiệp sẽ đạt chuẩn RCT-1 (Tiếng Nga như một ngoại ngữ) và được học các thuật ngữ hoàn toàn chỉ sử dụng trong quân đội. Theo Bộ Quốc phòng Nga, động thái này có thể giúp củng cố vị thế của Nga ở Đông Nam Á.

Olesya Lapshina, người được chọn trong số gần 60 giáo viên để giảng dạy tại trung tâm trên, cho biết: "Chúng tôi sẽ sử dụng sách giáo khoa 'Con đường tới Nga', trong đó có hầu hết các từ vựng thông dụng". Theo bà Lapshina, khóa học tiếng Nga tại Myanmar có thời lượng 900 giờ, nghĩa là 6 tiết/ngày và 6 ngày/tuần kéo dài từ tháng 10/2013 đến tháng 7/2014. Trong thời gian này, theo chuẩn RCT-1, học viên sẽ phải nói được tiếng Nga với tốc độ từ 120-150 từ/phút, nhớ được ít nhất 780 từ và có thể viết bài luận dài ít nhất 200 từ. Vào cuối khóa học, các học viên sẽ phải viết bài về kỳ nghỉ.

Dự kiến khóa học trên sẽ tạo điều kiện giúp các sĩ quan Myanmar có thể theo học tại các học viện của Nga. Cục Hợp tác Quân sự Quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong khuôn khổ hợp tác, Nga đã cung cấp cho Mianma xe tăng, pháo, xe chở bộ binh và kỹ thuật hàng không. Đến thời điểm này, nhiều sĩ quan và binh sĩ Myanmar đang theo học tại các học viện quân sự của Nga, cụ thể là Trường cao học kỹ thuật tăng Omsk - một chi nhánh của Học viện Hậu cần và Vận tải; Viện pháo binh Mikhailop - chi nhánh của Trung tâm huấn luyện bộ binh ở St. Petersburg. Với các học viên này, thay cho khóa học 2 năm, họ theo học 3 năm ở Nga.

Một nguồn tin của "Izvestia" cho biết Myanmar hàng năm chi hàng trăm nghìn USD cho việc đào tạo các sĩ quan của mình ở Nga. Nếu việc học tiếng Nga được thực hiện tại Myanmar, số tiền bỏ ra để đào tạo sẽ giảm đi đáng kể vì khi đó Myanmar chỉ phải trả lương cho các giáo viên dạy tiếng Nga, bớt được chi phí vài trăm nghìn USD tiền ăn ở cho các học viên. Bởi thế, theo nguồn tin này, Nga đã đạt được thỏa thuận với Myanmar để đào tạo tiếng Nga tại Myanmar, sau đó gửi các học viên sang Nga để huấn luyện về quân sự.

Thư ký của Bộ Quốc phòng Nga, ông Nikolay Pankov. Ảnh: Internet.


Thư ký của Bộ Quốc phòng Nga Nikolay Pankov giải thích rằng trung tâm đào tạo ngôn ngữ trên sẽ giúp phát triển quan hệ Nga-Myanmar. Theo ông, việc thành lập trung tâm trên đã được thống nhất trong thỏa thuận liên chính phủ ký hồi mùa xuân năm nay, trong chuyến thăm nước này của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ông nói: "Chúng tôi đang phát triển quan hệ với chính quyền Mianma. Và chúng tôi muốn rằng sự hiện diện của chúng tôi (tại Myanmar) sẽ còn đa dạng hơn thế". Theo ông Pankov, chi tiết về việc thành lập trung tâm đang được thảo luận, trong vòng 2 tuần tới sẽ biết được địa điểm đặt trung tâm cũng như mức chi phí để duy trì trung tâm và trong trường hợp cần thiết, Nga sẵn sàng chịu một phần nào chi phí.

Chuyên gia quân sự Vyacheslav Tseluyko, đồng tác giả của cuốn sách "Các cuộc chiến kỳ lạ", cho rằng hiện Nga không phụ thuộc vào một hợp đồng bán vũ khí đơn lẻ nào với các nước lớn như Ấn Độ hay Trung Quốc mà đã đa dạng hóa thị trường, ký hợp đồng với nhiều quốc gia nhỏ. Như vậy, Nga đang nỗ lực tăng cường vị thế trên thị trường vũ khí của khu vực Đông Nam Á. Tseluyko bình luận rằng Myanmar không phải là nước giàu nên không có tiền mua một lượng lớn vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, đặt một chân tại Myanmar, Nga có thể từng bước tiến tới cung cấp vũ khí cho Bangladesh, Lào, Indonesia... để ngay cả khi có những thay đổi chính trị, và hợp đồng nào đó không được thực hiện, Nga vẫn có một lượng lớn đối tác.

Hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Mianma và Nga bắt đầu trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Quân đội Myanmar đang tích cực mua của Nga xe tăng T-72, máy bay trực thăng Mi-17, máy bay chiến đấu MiG-29 cũng như các khí tài khác.


TTXVN/Tin tức

Nghị sĩ Nga: Không nên hy vọng Snowden bị trục xuất
Nghị sĩ Nga: Không nên hy vọng Snowden bị trục xuất

Người đứng đầu ủy ban chính sách đối ngoại thuộc Hạ viện Nga, ông Alexei Pushkov, tuyên bố Washington không nên trông chờ vào việc Moscow sẽ trục xuất cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN