Trong nhiều thế kỷ qua, bò được coi là vật linh thiêng đối với người dân theo đạo Hindu – tôn giáo lớn nhất ở Ấn Độ. Các nhà chức trách Ấn Độ giải thích quyết định ấn định ngày 14/2 trở thành “Ngày ôm bò” sẽ vừa thúc đẩy sự phong phú về cảm xúc của người dân vừa loại bỏ được một di sản được coi là văn hóa du nhập từ phương Tây – Ngày lễ tình nhân.
Tuy nhiên, dường như động thái này đã phản tác dụng và bị hủy bỏ sau khi trở thành một chủ đề châm biếm trên Internet và truyền hình.
Theo một thông báo ngày 6/2, Ủy ban Phúc lợi Động vật của Ấn Độ gọi bò là “xương sống của văn hóa và kinh tế nông thôn Ấn Độ, là người cho đi tất cả, mang lại sự giàu có cho nhân loại”.
Cơ quan này cho biết khích lệ hành động ôm bò là một phần trong nỗ lực thúc đẩy truyền thống của đạo Hindu để không bị xói mòn bởi ảnh hưởng của phương Tây.
“Sự ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây đã khiến di sản và văn hóa vật thể của chúng ta gần như bị lãng quên”, tuyên bố nêu rõ.
Ngay sau khi thông báo “Ngày ôm bò” được đưa ra, truyền thông Ấn Độ đã có những nội dung châm biếm trước kế hoạch của chính phủ.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ gây xôn xao với các chính sách đối với bò. Tại quốc gia này, với những người theo đạo Hindu chiếm khoảng 80% trong tổng số 1,3 tỷ dân của Ấn Độ, việc giết hoặc ăn thịt bò bị coi là tội lỗi.
Hành vi bán và giết mổ bò bị cấm ở phần lớn các vùng. Bò được thả rông ngoài đường, nơi công cộng.
Năm 2019, Bộ Thủy sản, Chăn nuôi và Sản xuất sữa thành lập cơ quan bảo vệ bò, có tên gọi Rashtriya Kamdhenu Aayog (RKA).
Hai năm sau, RKA buộc phải hoãn vô thời hạn kỳ thi quốc gia “khoa học về bò” sau khi chương trình giảng dạy vấp phải làn sóng chỉ trích về những tuyên bố phi khoa học về loài vật này.
Một trong những tuyên bố chưa được chứng minh của RKA nói rằng hoạt động của lò mổ quy mô lớn dẫn đến những trận động đất lớn, cho rằng nỗi đau đớn từ hành động giết mổ hàng loạt có thể tạo ra đủ căng thẳng để kích hoạt phản ứng địa chấn. Hay như tuyên bố bò bản địa sản xuất chất lượng sữa tốt hơn những con bò ngoại lai.