Nhu cầu cho loại “siêu quả” ngày càng tăng giúp cải thiện thu nhập của người dân Malawi, góp phần giảm chặt phá rừng và bảo vệ đa dạng sinh học.Ngồi tại phòng làm việc ngăn nắp của mình ở ngoại ô thủ đô Lilongwe, ông Chris Dohse đang hồi tưởng lại sự “chuyển mình” của quả xoài. Ông thắc mắc làm thế nào mà một loại quả từng du nhập từ Nam Á lại có thể trở nên phổ biến, được bày bán ở khắp mọi nơi, và bản thân chúng còn được sử dụng để chế biến ra mọi thứ từ bánh ngọt, cốc sinh tố, nước sốt rồi tới cả kem dưỡng da.
Những quả bao báp giàu dinh dưỡng.
|
Ông chia sẻ: “Nếu một người nhìn vào quả xoài, họ hẳn sẽ nói rằng: ‘Đây là một sản phẩm đầy tiềm năng. Chúng tôi muốn phát triển nó ở những thị trường mới và tại những đại lý mới'”.
Tuy nhiên đối với doanh nhân người Đức 49 tuổi này, xoài không phải là mối quan tâm mà thay vào đó ông đã đặt hết niềm tin và tiền bạc vào thứ quả không mấy tiếng tăm: quả bao báp. Đó là thứ quả khiến ông bị mê hoặc, là loại quả có thể cho ra các túi thơm, lọ sữa dưỡng da, hũ mứt, chai nước quả và những thùng rượu..
Khi quả bao báp được thị trường châu Âu cấp giấy phép lần đầu tiên vào 6 năm trước, như một lẽ dĩ nhiên, nó đã được công nhận là thực phẩm cao cấp, là đối thủ của “siêu hạt” quinoa, việt quất và cải xoăn (những thực phẩm được mệnh danh bổ nhất thế giới).
Lớp vỏ mềm màu vàng chanh của quả bao báp chứa một thứ bột khô có hàm lượng vitamin C còn lớn hơn ở cam, nhiều canxi hơn sữa, nhiều kali hơn chuối, có lượng magie nhiều hơn rau chân vịt, và chứa nhiều sắt hơn cả thịt đỏ.
Ngoài ra, cũng cần phải nhắc đến loài cây đã sinh ra nó. Cây bao báp đã xuất hiện trong vô số các truyền thuyết và giai thoại, nó cũng đặc biệt như những bông hoa bao báp - được thụ phấn nhờ những chú dơi.
Sự tích kể rằng, thuở xa xưa, các nhánh cây dạng ống to khỏe này trước kia là rễ cây. Quá ghen tị với sự xinh đẹp và màu mỡ của các cây khác, bao báp suốt ngày càu nhàu khiến cho Thượng đế không chịu nổi sự ồn ào, phải khiến cho nó im lặng bằng cách bật rễ cây lên và trồng lộn ngược lại, khiến cho cây có hình dạng như bây giờ.
Theo anh Dohse, khi nói về các biểu tượng của châu Phi thì không thể phủ nhận, bao báp là một trong số đó.
Chỗ đứng trên thị trườngNgày nay, quả bao báp có thể được tìm thấy trong các cửa hàng ở Anh và châu Âu, và đã được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như socola, ngũ cốc, mứt, các loại nước sốt và thậm chí cả rượu gin. Lễ hội bao báp lần thứ hai tại Cornwall-Anh đã được tổ chức vào cuối tháng 9 năm ngoái.
Dohse là giám đốc điều hành của công ty TreeCrops, có trụ sở tại Malawi, đây là cơ sở mua và sản xuất các sản phẩm từ bao báp và nhiều cây trồng khác. Dohse tin rằng thế giới đang ngày càng “thèm” thứ quả chua này.
Những miếng bột bao báp khô, có thể pha vào nước làm đồ uống vitamin hay rắc vào thức ăn. |
Trong suốt 13 tháng qua, công ty TreeCrops đã bán cho các nhà phân phối ở Nam Phi hơn 50 tấn bột bao báp. Số bột này được dùng để pha chế các loại đồ uống, kem và làm gia vị cho món cháo.
PhytoTrade Africa, một hiệp hội thương mại phi lợi nhuận với mục đích xóa đói giảm nghèo và bảo vệ đa dạng sinh học ở miền Nam châu Phi, tin tưởng rằng đây là thời đại của cây bao báp.
Henry Johnson, giám đốc phát triển của hiệp hội tại thị trường Anh, cho biết nhu cầu bột bao báp ở đất nước này đang chuyển từ lĩnh vực thực phẩm vì sức khỏe trở thành mặt hàng bán lẻ chính thống. Trong khi đó, được biết mối quan tâm đến từ châu Mỹ, Mỹ Latinh, châu Á và châu Úc đang ngày càng gia tăng.
Theo ông Johnson thì mỗi vòng đời của một sản phẩm đều có đỉnh điểm khi sản phẩm này chuyển từ thị trường ngách (phân khúc nhỏ) sang thị trường phổ thông, và quả bao báp đã đạt tới điểm đó.
Ông còn hóm hỉnh kể rằng vài tuần trước, trên một chuyến bay, đồng nghiệp của ông ngồi cạnh một thành viên của đội đua thuyền Anh. Khi anh ấy nhắc đến quả bao báp, vận động viên kia liền tỏ ra vô cùng quen thuộc với loại quả này, trong khi nếu là hai năm trước, hẳn anh ta sẽ hỏi tên nó được đánh vần như thế nào.
Giảm ô nhiễm môi trườngLà một cán bộ lâm nghiệp đã được đào tạo, năm 2000, Dohse tới Malawi để làm việc cho một công ty Phát triển Dịch vụ của Đức trong dự án bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia. Cùng lúc đó, thực phẩm từ bao báp bắt đầu nở rộ trong thị trường nội địa, Dohse thấy rằng loại quả này có thể vươn ra tầm quốc tế.
Dohse cũng nhận thấy việc thương mại hóa cây bao báp có thể giúp các cộng đồng dân cư vùng nông thôn có đủ kinh tế để bảo vệ đất trồng rừng của họ. Việc này đồng thời đóng vai trò như “bức tường chắn sóng” cho một đất nước đang mất đi 3% rừng mỗi năm do người dân đốt rừng lấy đất canh tác.
Qủa bao báp đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân Malawi.
|
Bằng chứng là ở vùng ngoại ô và xung quanh khu chợ đông đúc tại thủ đô Lilongwe đều tràn ngập mùi khói đốt. Chỉ cần lái xe vài tiếng về phía đông nam, đi về hướng hồ Malawi, sẽ quan sát được những ngọn lửa lập lòe trong các khu rừng bên đồi và đường đi mù mịt khói.
Dohse than thở: “Họ nói Malawi là ‘trái tim ấm áp’ của châu Phi. Không phải vậy đâu, nó là ‘trái tim bùng cháy’ thì đúng hơn. Tôi lái xe qua những khung cảnh tuyệt đẹp là thế mà phải hít thở bầu không khí màu xám”.
Trong một xã hội chỉ chuyên về trồng trọt, việc thuyết phục mọi người không chặt cây và phá rừng chưa bao giờ là chuyện đơn giản.
Khi Dohse và các đồng nghiệp của mình đi tới vùng quê để tìm người thu hoạch quả bao báp trong tháng 3 và tháng 4, họ liền chú ý tới giá trị kinh tế của thân cây.
Dohse kể lại:“Chúng tôi đã nhờ họ liệt kê ra toàn bộ vật dụng họ làm được từ thân cây trong một năm và đặt các giá trị vào chúng. Sau khi tính toán, bọn tôi đã chỉ cho họ thấy những gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ mọi thứ đột nhiên biến mất, nếu rừng bị tàn phá để trồng trọt. Điều đó đã khiến họ hiểu được mối đe dọa khi mất đi tài nguyên”.
Cải thiện chất lượng cuộc sốngLợi nhuận từ TreeCrops giúp cho những người thu hoạch bao báp có nguồn thu nhập thêm. Andrew Mbaimbai, chủ tịch hiệp hội người thu hoạch Zamnkhalango, đã hợp tác với TreeCrops được 10 năm. Anh cho biết năm ngoái, anh đã kiếm được khoảng MWK280,000 ($644) nhờ thu hoạch bao báp và hạt của cây chi sừng trâu – một thành phần trong bào chế thuốc trợ tim.
Mbaimbai cho biết hiện giờ anh đã có một số tiền kha khá và cảm thấy rất thoài mái. Cùng với số tiền này, anh đã xây cho mình được một căn nhà và bốn đứa con của anh đã được tới trường. Anh vui vẻ nói: “Tôi đang tính xây thêm căn nhà nữa, giờ đang tích tiền để mua gạch đây”.
Những cây bao báp lừng lững trên mảnh đất châu Phi.
|
Cùng lúc đó, tại một ngôi làng có tên Mkope Mwerembe, cô Edith Matewere - người chuyên tách vỏ quả bao báp - đã làm công việc thu hoạch được 7 năm. Trước đó, cô phải nuôi dạy 3 đứa con của mình và 2 con của người chị đã khuất chỉ dựa vào làm ruộng và dệt thảm.
Cô phấn khởi cho biết: “Giờ có nhiều tiền hơn rồi, đã đủ để tôi mua thức ăn và quần áo cho lũ trẻ. Tôi còn có thể mua quần áo và vật dụng làm bếp cho bản thân mình”. Năm ngoái, cô đã bán được MWK39,940 (93 USD) quả bao báp. Phần lớn số tiền này cô dùng để mua thức ăn, còn lại là để sửa mái nhà.
Dohse nói: “Điều đó khuyến khích họ biết nâng niu hơn nữa tài nguyên rừng. Chẳng mấy chốc họ đã có trong tay một số tiền. Một phần trong số đó sẽ được gửi tới các dự án vì cộng đồng, như sửa chữa đường ống nước, mái nhà, hay mua xe đạp cứu thương... Chính khu rừng đã giúp họ sửa đường ống, và họ có thể tiết kiệm được một khoản đáng lẽ phải chi vào việc đó.”
Rosby Mthinda đã hợp tác với Dohse hơn 10 năm và hiện đang đào tạo những người thu hoạch khác với tư cách là người giám sát. Theo cô, việc buôn bán các sản phẩm từ bao báp đem lại lợi nhuận cho cả con người và môi trường.
Cô cho biết: “Khi các nhà cung cấp bán sản phẩm cho chúng tôi, họ nhận được tiền ngay, nghĩa là họ có nguồn thu chi và có thể mua đồ ăn hay áo quần. Họ đã nhìn ra sự khác biệt. Nếu bạn chỉ phụ thuộc vào mỗi trồng trọt thì khi hạn hán, bạn sẽ gặp khó khăn. Những người trông chờ vào thời tiết sẽ có cuộc sống cơ cực”.
Ngoài ra, cô Mthinda cũng không quên nhắc nhở người thu hoạch quan tâm đến các loài thực vật xung quanh cây bao báp, vì ta đều không biết một ngày kia, loại cây nào sẽ trở nên quý giá.
Ngân Anh (Theo Guardian)