Bà Eva Wu đã giữ nguyên căn phòng của cậu con trai Cornald 17 tuổi kể từ khi cậu qua đời hồi tháng 1/2011 do bị ung thư. Sống cô đơn một mình sau khi li dị và khi con trai qua đời, bà Wu thường nhớ lại tinh thần lạc quan của con trai. Bà kể: “Con trai tôi luôn trấn an tôi. Cháu nói rằng: Mẹ ơi, con biết chuyện gì đang diễn ra. Con không sợ chết. Mẹ đừng lo cho con”.
Viên kim cương nhân tạo trên mặt dây chuyền hình thánh giá của bà Wu. Ảnh: Internet |
Để con trai luôn ở cạnh mình, bà Wu đã đưa tro của cậu để một công ty biến thành kim cương. Bà đã đính viên kim cương lên mặt dây chuyền hình thánh giá và lúc nào cũng đeo bên mình. Bà nói: “Tôi cảm thấy bình yên. Tôi cảm thấy con trai ở gần mình. Và tôi có thể nhớ lại khuôn mặt tươi cười và tính cách nhẹ nhàng của cháu”.
Chút thanh bình trong tâm hồn bà Wu là nhờ một công ty ở Hồng Công (Trung Quốc) tên là Algordanza (trụ sở chính ở Thụy Sĩ) – công ty chuyên chế tạo “kim cương tưởng nhớ” từ năm 2008. Algordanza trong tiếng địa phương có nghĩa là tưởng nhớ. Giám đốc công ty tại Hồng Công, một kỹ sư tên là Scott Fong, nảy ra ý tưởng làm kim cương tưởng nhớ sau khi dự đám tang một người thân trong gia đình. Ông cho rằng, dịch vụ tang lễ là điều gì đó “thô bạo” với người đã khuất và muốn có một hình thức mới nhẹ nhàng hơn.
Ông Fong cho biết, quy trình biến tro cốt thành kim cương khá đơn giản. Công ty Algordanza gửi 200 gam tro của người đã khuất tới phòng thí nghiệm ở Thụy Sĩ. Cácbon từ số tro này sau đó được lọc tạp chất để đạt độ tinh khiết 99% và được luyện thành than chì đen, mịn. Sau đó, nó được chuyển vào một chiếc máy để biến thành kim cương nhân tạo dưới điều kiện áp suất và nhiệt độ như ở trong núi lửa. Sau 9 giờ, một viên kim cương nhân tạo màu xanh xanh ra đời.
Chi phí để làm một viên kim cương 0,25 cara vào khoảng 3.000 USD. Viên kim cương nhân tạo to nhất mà Algordanza từng chế tạo có kích thước 2 cara với giá khoảng 37.000 USD. Mức giá của một viên kim cương từ tro người chết khá cạnh tranh so với chi phí cho dịch vụ tang lễ ở Hồng Công, khoảng từ 2.000 đến hơn 200.000 USD tùy vào loại quan tài.
Ở một nơi như Hồng Công, đất đai cho cả người sống lẫn người chết đều hiếm và đắt đỏ. Do các nghĩa trang trong thành phố đã chật chỗ, chính quyền Hồng Công chỉ cho phép chôn cất thi thể tối đa 6 năm, sau đó phải bốc mộ và hỏa táng.
Kể từ khi mở văn phòng ở Hồng Công năm 2009, doanh thu của công ty Algordanza đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, người Trung Hoa thường không thích hình thức kinh doanh trên cái chết này. Lúc đầu, ngay cả bố của ông Fong cũng từng ngăn cản ông làm ăn kiểu này. Ông Fong kể lại: “Bố tôi bảo rằng cả xã hội sẽ lấy đầu con ngay khi con vừa đề xuất một ý tưởng như vậy”. Nhưng về sau, bố ông Fong cũng dần quen với ý tưởng này khi chợt nghĩ rằng thế hệ tương lai chắc cũng chẳng giữ được truyền thống gia đình, như việc thăm viếng mộ hàng năm để tưởng nhớ người đã khuất.
Bố ông Fong vừa qua đời và tro của ông cũng sẽ được biến thành kim cương nhân tạo, chia thành 4 cho 4 đứa con của ông sống ở các nước khác nhau.
Còn đối với bà Wu, người thân của bà cũng mất khá nhiều thời gian mới chấp nhận việc bà biến tro của Cornald thành kim cương. Họ chấp nhận vì họ biết Cornald gần gũi và gắn bó với bà Wu thế nào. Họ chấp nhận vì biết rằng đó là cách khiến bà Wu vui vẻ và thoải mái.
Tâm sự với phóng viên hãng CNN, bà Wu cũng thừa nhận không phải ai cũng muốn nhớ đến người thân của họ qua kim cương như thế. Nhưng bà cho rằng viên kim cương đó có thể tồn tại dài lâu, làm minh chứng cho tình cảm của người còn sống với người đã khuất.
Thùy Dương