Một cậu bé đeo khẩu trang do ô nhiễm không khí tại Tehran. Ảnh: THX |
Các trận cầu trên - giữa các đội của Tehran và các câu lạc bộ đến từ thành phố Mashhad và Tabriz - đã được chuyển sang ngày 29/12 tới sau khi cơ quan môi trường của Tehran khuyến cáo nên hoãn mọi hoạt động thể thao. Trước đó, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong tuần qua đã khiến chính quyền phải đóng cửa trường học ba ngày ở khu vực thủ đô Tehran và các vùng lân cận.
Chỉ số chất lượng không khí tại Tehran ngày 27/12 đã ở mức 132, vượt quá xa so với ngưỡng cho phép từ 0-50 mà tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Người già, trẻ em và người bệnh được khuyến cáo nên ở trong nhà.
Khói thải của 5 triệu ô tô và xe máy lưu thông trên đường phố ở Tehran gây ra 80% mức ô nhiễm nói trên. Tình trạng này càng gia tăng trong mùa Đông vì khí thải không thể bốc lên cao hơn khối khí lạnh. Trước tình hình này, các nghị sĩ Iran đang chỉ trích chính phủ về cách ứng phó chưa hiệu quả.
Tháng 12/2014, gần 400 người dân Iran đã phải nhập viện vì các vấn đề về tim và hô hấp do ô nhiễm nặng tại Tehran, trong khi gần 1.500 người khác được điều trị tại nhà. Bộ Y tế Iran cho biết năm 2012, ô nhiễm đã làm khoảng 80.000 người thiệt mạng trên cả nước, trong đó riêng thủ đô Tehran có 4.500 ca tử vong.
Trong khi đó, theo thống kê tại Trung Quốc, trong năm 2014, người dân thủ đô Bắc Kinh đã mua 1/6 lượng mặt nạ chống độc được rao bán trên cổng thương mại điện tử Alibaba. Thành phố Bắc Kinh, tỉnh Giang Tô (miền Đông) và thành phố Thượng Hải là ba khu vực tiêu thụ mặt hàng này nhiều nhất. Tỉnh Hắc Long Giang (Đông Bắc) xếp thứ 9, với số lượng hàng đặt mua tăng 200% trong năm 2014. Khách hàng tại Quảng Đông, Phúc Kiến và Hải Nam, nơi chất lượng không khí tương đối tốt, cũng đã tăng.
Tính đến ngày 23/12, khoảng 50 thành phố ở miền Bắc và Đông Trung Quốc đã ban bố báo động các mức khác nhau về ô nhiễm không khí trong đợt khói mù xảy ra gần đây, riêng thủ đô Bắc Kinh đã hai lần báo động đỏ vì ô nhiễm.