Vừa trầy trật chống đỡ khủng hoảng nợ, Hy Lạp còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nữa từ làn sóng người tị nạn và người di cư trái phép không ngừng đồ vào nước này, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa nhân đạo.Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn số liệu của Cơ quan biên giới EU Frontex cho biết chỉ tính riêng trong tháng 7, đã có gần 50.000 người di cư vào Hy Lạp, cao hơn con số đến nước này trong cả năm 2014.
Một người di cưu trên đảo Kos. Ảnh: Reuters |
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) mô tả tình cảnh người di cư tại Kos, Chios và Lesbos, 3 đảo du lịch nổi tiếng của Hy Lạp, là sự "hỗn loạn".
Trong cuộc họp nội các khẩn cấp cuối tuần qua, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhấn mạnh rằng "Hy Lạp đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng bên trong khủng hoảng" và đề nghị thúc đẩy nhanh việc giải ngân hơn 400 triệu euro trong các quỹ khẩn cấp của EU dành cho người tị nạn.
Một trong những nguyên nhân khiến Hy Lạp trở thành điểm đến của người di cư trong hành trình tới châu Âu là do một số đảo của nước này chỉ cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vài hải lý, khiến hành trình vượt biển nhanh hơn và tương đối an toàn hơn so với hải trình từ Libya tới Italy, tuyến đường đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng khi cố gắng tìm cách vào EU trong năm nay.
Các chính quyền địa phương nói rằng họ không còn khả năng bố trí chỗ ở cho lượng người mới đến gia tăng đột biến mùa Hè này trong khi chính phủ trung ương đang hết sức khó khăn về tài chính.
Trong bối cảnh dòng người tị nạn và di cư từ Trung Đông và Bắc Phi nườm nượp đổ đến châu Âu, các nước thuộc biên giới phía Đông và Nam của EU như Italy, Hy Lạp và Hungary đang phải chịu áp lực lớn nhất trong khối. Các quan chức EU thừa nhận rằng Hy Lạp đang cần được hỗ trợ khẩn cấp để giải quyết vấn đề người nhập cư trái phép hiện đã lên tới hơn 130.500 kể từ đầu năm đến nay, cao gấp 5 lần so với cả năm 2014.
Hy Lạp đã vượt qua Italy trở thành điểm đến chính của những người chạy khỏi các nước có xung đột như Syria và Eritrea. Theo UNHCR, tổng cộng Hy Lạp đang chiếm gần một nửa số 224.000 người tị nạn và di cư vào châu Âu kể từ đầu năm đến nay.
Thách thức đặt ta từ cuộc khủng hoảng đang gia tăng này là cũng trở thành đề tài nóng bỏng trong nghị trường châu Âu và gây chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia thành viên.
EU đã đề xuất cơ chế tái bố trí 40.000 người tị nạn tại Hy Lạp và Italy một cách cân bằng hơn giữa các nước thành viên, song Anh, Áo và Hungary không tham gia kế hoạch này. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo chỉ có thể nhất trí chia sẻ tối đa 32.000 người nhập cư tại hai nước trên.