Hikikomori – Hội chứng giam mình trong phòng ở Nhật

Hikikomori, hội chứng tâm lý nguy hiểm đang hoành hành ở “xứ mặt trời mọc” đã khiến gần 1 triệu người dân nước này khóa cửa trong phòng không làm gì, chỉ lướt web và đọc truyện tranh trong nhiều năm liền.

Hội chứng "tự kỷ đáng lo ngại"

Người mắc Hikikomori nhốt mình trong phòng trong thời gian dài.


Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản định nghĩa Hikikomori là hiện tượng những người không tham gia vào các hoạt động xã hội, chủ yếu là học tập và lao động, tự giam mình trong phòng, không có bất cứ mối quan hệ nào khác ngoài gia đình. Những triệu chứng tâm lý thu mình, không tiếp xúc này kéo dài từ 6 tháng trở lên. Cụm từ Hikikomori được sử dụng để chỉ cả hội chứng tâm lý và người mắc hội chứng này.

Yuto Onishi, 18 tuổi, sống ở Tokyo, trong 3 năm liền không rời khỏi phòng ngủ cho đến khi tìm tới bác sĩ điều trị 6 tháng trước. Onishi dành cả ngày để ngủ, còn ban đêm thì lướt mạng internet và đọc truyện tranh. Cậu chẳng hề nói chuyện với bất kỳ ai. Onishi cho biết cậu rơi vào tình trạng này sau một cú sốc vì trượt một kỳ thi hồi học trung học: “Khi trải qua chuyện đó, bạn sẽ đánh mất thực tế. Tôi biết điều đó là bất thường nhưng tôi không muốn thay đổi. Tôi cảm thấy an toàn ở đây”.

Còn mọi rắc rối với Hide bắt đầu khi anh bỏ học: “Tôi bắt đầu đổ lỗi cho bản thân và cha mẹ tôi cũng đổ lỗi cho tôi vì không đến trường. Áp lực bắt đầu xuất hiện. Và tôi dần sợ phải ra ngoài gặp gỡ mọi người. Cuối cùng thì tôi chẳng thể ra khỏi nhà nữa”. Hide đã từ bỏ mọi giao tiếp với bạn bè và cả cha mẹ mình. Để tránh gặp họ, anh ngủ vào ban ngày và thức trắng đêm xem tivi.

Một trong số ít những chuyên gia về Hikikomori ở Nhật - Giáo sư Takahiro Kato, từng mắc Hikikomori khi còn là sinh viên, đang phối hợp cùng một nhóm chuyên gia thuộc Đại học Kyushu ở Fukuoka tiến hành các nghiên cứu nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng lan rộng của hội chứng này tới thế hệ trẻ Nhật.

Theo giáo sư Kato, ông từng chứng kiến những trường hợp mắc Hikikomori nghiêm trọng ở lứa tuổi 50, đã tách biệt khỏi xã hội hơn 30 năm. Những người mắc hội chứng này từ chối giao tiếp với bạn bè, gia đình: “Tôi rất lo lắng vì hiện nay khoảng 1% dân số thu mình lại vì mắc Hikikomori hoặc các bệnh tâm lý tương tự. Phần lớn họ là những người đã tốt nghiệp đại học vì vậy mà ảnh hưởng tới nền kinh tế là rất kinh khủng”.

Điều đáng nói là những người mắc Hikikomori thường là những thanh niên thông minh, có năng lực. Một số lượng lớn người mắc hội chứng này cũng khiến Nhật Bản mất đi số lượng không nhỏ lực lượng lao động, ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Không chỉ là bệnh tâm lý

Giáo sư Kato cho rằng nhiều yếu tố môi trường xung quanh góp phần dẫn tới chứng tâm lý này, với hầu hết trường hợp nảy sinh trong các gia đình trung lưu: “Rất hiếm bắt gặp Hikikomori trong các gia đình nghèo. Môi trường trung lưu, các gia đình trung lưu tiềm ẩn nguy cơ cao xuất hiện hội chứng này. Phần lớn Hikikomori là những thanh niên đã tốt nghiệp, sau khi tốt nghiệp đại học họ trở thành những Hikikomori”.

Yuto Onishi không rời phòng ngủ trong 3 năm liền.


Nhiều Hikikomori ở lì trong phòng ngủ ở nhà, và những người nuôi ăn, hỗ trợ cho họ không ai khác là các bậc cha mẹ.

“Nhật Bản rất khác biệt với xã hội phương Tây, ví dụ như mối quan hệ mẹ-con vô cùng khác biệt so với xã hội phương Tây. Cha mẹ Nhật rất ý thức bảo vệ con cái, khiến nhiều người gặp khó khăn tự lập sau này. Đó cũng là lý do vì sao mà Nhật Bản nhiều Hikikomori so với các nước phương Tây”.

Thanh thiếu niên Nhật Bản cũng đối mặt với áp lực lớn để vào các trường đại học tốt, công ty tốt; và nhiều người, đặc biệt là nam giới, chịu áp lực rất nặng nề. Trường hợp của Matsu là một ví dụ. Matsu mắc Hikikomori sau khi bất đồng với cha mẹ về sự nghiệp và khóa học đại học của mình. Matsu nói: “Tinh thần tôi rất tốt, nhưng cha mẹ đẩy tôi vào con đường mà tôi không muốn. Bố tôi là một nghệ sĩ và có công việc kinh doanh riêng. Ông muốn tôi theo nghiệp ông”. Giống như nhiều Hikikomori, Matsu là con trai cả và gánh áp lực kỳ vọng của cha mẹ. Matsu giận dữ khi thấy em trai làm điều mà nó muốn. “Tôi trở nên bạo lực và sống cách biệt với gia đình”, Matsu bày tỏ.

Ông Kato cho rằng liệu pháp tâm lý là rất cần thiết đối với các Hikikomori và chính những thành viên trong gia đình họ nhằm thay đổi các mối quan hệ và động lực nhóm.

Ông Kato và các cộng sự đang dốc sức nghiên cứu tìm ra các yếu tố sinh học và xã hội góp phần dẫn tới Hikikomori để có được “chẩn đoán đa chiều” về hội chứng này và quan trọng hơn là dự đoán được những nguy cơ. Theo ông, “Hầu hết các nghiên cứu chỉ tập trung vào khía cạnh tâm lý, tuy nhiên Hikikomori không đơn thuần là một dạng bệnh tâm lý”. Điều trị cho những người mắc bệnh này đòi hỏi xây dựng lại các kỹ năng giao tiếp đầu tiên, khi nhiều người không nói chuyện với người thân và gia đình trong nhiều năm liền.

“Phương pháp điều trị chủ yếu là liệu pháp tâm lý – đặc biệt là liệu pháp tâm lý nhóm vì nhiều Hikikomori không giao tiếp với những người khác bởi vậy họ cần có một số trải nghiệm giao tiếp trong nhóm”, giáo sư Kato nói.

Hạnh Nhân (Theo DailyMail, BBC)
“Thời kỳ đen tối” nơi công sở của phụ nữ Nhật
“Thời kỳ đen tối” nơi công sở của phụ nữ Nhật

Với những cam kết hùng hồn giải quyết bất bình đẳng giới nơi làm việc của Thủ tướng Nhật Bản, phụ nữ "xứ mặt trời mọc" có vẻ vẫn đang ở trong Thời kỳ đen tối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN