Trẻ em Singapore được chăm chút học hành từ khi còn nhỏ.
|
Ông Marc Tucker, Chủ tịch trung tâm giáo dục và kinh tế quốc gia Mỹ, nói: “Singapore là một trường hợp đặc biệt. Đó là một cảng lớn của Anh trước Thế chiến II. Khi người Anh rút quân và đóng cửa căn cứ của mình, Singapore đã ở trong tình thế khó khăn”. Nhưng cho đến nay, Singapore được đánh giá là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất trên toàn thế giới, mà phần nhiều là do giáo dục và đào tạo.
Nếu quá trình “phất lên” nhanh chóng của Singapore được gây dựng từ giáo dục, thì bí quyết của hệ thống giáo dục chính là chất lượng của đội ngũ giáo viên. “Họ tuyển lựa những giáo viên từ những học sinh xuất sắc nhất tại trường trung học”, ông Tucker nhận định.
Sáng tạo với kiến thứcTrong những năm hậu chiến, Singapore có nhân công rẻ và tay nghề thấp, vậy là đủ cho hệ thống giáo dục mới ở mục tiêu xóa mù chữ.
Phải đến những năm 1970, nhu cầu của nền kinh tế Singapore bắt đầu thay đổi. Nền kinh tế nhanh chóng hướng tới công nghệ cao, mà các công việc văn phòng và hệ thống giáo dục cần theo kịp. Ngay sau đó, mục tiêu mà chính phủ đặt ra là có được nền giáo dục đẳng cấp thế giới cho mọi học sinh, và điều đó đồng nghĩa rằng việc dạy và học sẽ chuyển từ “học vẹt” sang khuyến khích sáng tạo.
Giám đốc giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Andreas Schleicher, nói: “Họ có một hệ thống chuyên sâu với một phương án duy nhất – mở rộng hệ thống giáo dục nhanh chóng. Nhưng khi đạt được điều đó, họ tiếp tục là những người đầu tiên nghĩ về những gì lũ trẻ sẽ cần để thành công trong nền kinh tế tương lai? Một điều rõ ràng với họ là kinh tế thế giới không còn trao thưởng cho mọi người vì những gì họ biết. Google đã biết tất cả mọi thứ. Kinh tế thế giới trao thưởng cho mọi người vì những gì họ có thể làm với vốn kiến thức đó”.
Việc tập trung vào ứng dụng, sử dụng kiến thức một cách sáng tạo là một thế mạnh ở Singapore và các nước châu Á khác. Trẻ em Singapore được quan tâm giáo dục từ khi còn nhỏ, thậm chí trước khi vào trường tiểu học.