Một chiếc Dreamliner 787 “phát hỏa” tại sân bay Boston (Mỹ), một chiếc bị rò rỉ nhiên liệu, một chiếc gặp trục trặc ở hệ thống phanh, một chiếc khác phải hạ cánh khẩn cấp vì bộ ắc quy chính quá nóng… Những sự cố liên tiếp xảy ra kể từ đầu tháng 1/2013 với chiếc siêu máy bay mang theo “giấc mơ” chinh phục bầu trời hàng không dân dụng thế kỷ 21 của Boeing đã dẫn đến quyết định đình bay toàn bộ dàn Dreamliner 787 trên khắp thế giới và là cú đòn giáng mạnh vào uy tín cũng như triển vọng kinh doanh của “người khổng lồ” sản xuất máy bay Mỹ.
Khai sinh trong khoảnh khắc… tuyệt vọng
Trong nhiều thập niên, Boeing đã là hãng luôn tiên phong với những cải tiến vĩ đại nhất trong ngành hàng không thế giới. Thời đại của máy bay phản lực bắt đầu từ năm 1958 với chuyến bay của Pan American từ New York tới Pari, chỉ mất 7 tiếng rưỡi trên một chiếc Boeing 707 mới. Năm 1970, Boeing mở ra kỷ nguyên của máy bay phản lực khổng lồ (jumbo) với dòng 747. Những chiếc máy bay sức chứa lớn như vậy đã đáp ứng một cách tuyệt vời hoạt động đi lại bằng đường không vốn ngày càng sôi động.
Dreamliner ra đời mang theo giấc mơ chinh phục khách hàng bằng một dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu, thay vì chạy theo sức chứa và tốc độ. |
Nhưng khi bắt đầu thế kỷ 21, những thay đổi lớn đã xảy ra. Các hoạt động hợp nhất đã để lại cho thế giới hai nhà sản xuất máy bay phản lực thương mại chính: Boeing và Airbus. Các lãnh đạo Boeing ban đầu không coi Airbus là đối thủ nguy hiểm. Nhưng năm 2003, điều không thể tin được đã xảy ra khi Boeing – công ty từng định hình ngành hàng không hiện đại – đã mất đi vị trí nhà sản xuất máy bay lớn nhất vào tay kình địch từ châu Âu: Airbus. CEO của Boeing phải từ chức sau vụ bê bối liên quan đến một hợp đồng quốc phòng. Giá cổ phiếu của hãng cũng lao dốc xuống mức thấp kỷ lục trong vòng một thập kỷ.
Lính cứu hỏa ở Boston đã mất 40 phút để dập đám cháy trên chiếc 787 của Japan Airlines.Ảnh Internet |
Niềm tự hào của người Mỹ bị thử thách, nhưng đó không phải tất cả. Năm 2002, Airbus bắt đầu sản xuất A380, chiếc jumbo thương mại lớn nhất thế giới, với sức chứa tới 853 hành khách, tương đương ít nhất 5 chiếc Boeing 737.
Airbus cho rằng máy bay lớn là cần thiết để kết nối các sân bay đông đúc tại các thành phố lớn, trong khi lãnh đạo Boeing lại không chắc chắn về điều đó. Họ tin tưởng hành khách sẽ ưu tiên tránh những phi trường lớn quá đông đúc bằng những chuyến bay tầm xa không nghỉ giữa các thành phố nhỏ hơn, đồng thời nhận thấy tiêu chí tiết kiệm nhiên liệu là rất cần thiết cho những hành trình dài như vậy.
Hơn nữa, vụ khủng bố 11/9 (năm 2001) đã làm đảo lộn thị trường hàng không toàn cầu. Đến tận hai năm sau đó, các hãng hàng không khắp thế giới vốn đang ngập đầu trong khó khăn tài chính, vẫn rất do dự khi chi tiền mua máy bay mới. Chi phí vốn lớn và việc giá dầu mỏ leo thang đã khiến họ quan tâm đến hiệu quả của máy bay hơn là tốc độ. Lúc này Boeing thấy cần thiết phải làm một thứ gì đó mang tính cách mạng để giành lại sự quan tâm của khách hàng. Dự án 747X chạy theo tốc độ bị hủy bỏ, “người khổng lồ” máy bay Mỹ chuyển hướng qua một sản phẩm thay thế.
Dreamliner ra đời trong bối cảnh như vậy. Đó là chiếc máy bay hứa hẹn sẽ nhẹ hơn và trang bị công nghệ tiên tiến hơn bất cứ phi cơ dân dụng nào khác. Một nửa của Dreamliner 787 được làm từ vật liệu composite mới, nhẹ hơn nhưng lại cứng hơn nhôm, và nhờ tính ưu việt này, các hãng hàng không có thể cắt giảm tới 20% chi phí nhiên liệu.
Nhưng ngay khi hoạt động sản xuất bắt đầu, lỗ hổng giữa tầm nhìn và thực tế nhanh chóng mở rộng ra. Chiếc máy bay được đặt cho một cái tên gửi gắm nhiều hy vọng - “Dreamliner” - đã bị phủ bóng bởi những đợt trì hoãn sản xuất, chi phí vượt cao quá mức dự kiến và nhuệ khí của đội ngũ chế tạo nhụt dần.
Trong các cuộc trả lời phỏng vấn của AP, hơn một chục cựu kỹ sư, nhà thiết kế và giám đốc của Boeing đã kể lại chi tiết áp lực của họ khi phải đáp ứng các hạn chót quá nghiêm ngặt. Những người từng tham gia dự án 787 vẫn tự hào đã góp sức cho “siêu phẩm” này. Nhưng nhiều câu hỏi đã được đặt ra, chẳng hạn việc đẩy nhanh các công đoạn sản xuất có góp phần dẫn đến một loạt các vấn đề, trong đó có vụ máy bay của All Nippon Airways (Nhật Bản) hạ cánh khẩn cấp khi bộ ắc quy chính của máy bay bị đốt nóng quá mức, và một bộ ắc quy trên chiếc máy bay cùng loại của Japan Airlines bốc cháy trong khi chiếc Dreamliner đang đậu tại sân bay quốc tế Logan ở Boston (Mỹ).
Một vấn đề khác là ngay từ trước khi chiếc bu-lông đầu tiên của máy bay được siết, Dreamliner đã khác biệt. Do các lãnh đạo Boeing không muốn mạo hiểm chi hàng tỉ USD cần thiết để phát triển một máy bay thương mại mới, họ nghĩ đến một giải pháp mang tính “tiểu thuyết”, nhưng lại không chắc chắn. Một mạng lưới toàn cầu các nhà cung cấp sẽ phát triển, sau đó là chế tạo hầu hết các bộ phận của máy bay tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thân khoang đầu máy bay được làm tại Mỹ, thân gần đầu từ Nhật, thân giữa từ Anh, cửa máy bay – Pháp, cửa khoang hành lý – Thụy Điển, động cơ – Anh, vỏ động cơ – Canađa, cánh nhỏ sau – Ôxtrâylia, cánh đuôi ngang – Italia… Các nhân viên của chính Boeing sẽ chỉ sản xuất 35% chiếc máy bay “liên hợp quốc” này trước khi thực hiện lắp ráp hoàn chỉnh nó tại một nhà máy ở ngoại ô Seattle (Mỹ).
Và chính quyết định này đã “ám ảnh” Boeing đến ngày hôm nay.
“Giấc mơ” trên mặt đất
Sau vụ cháy ắc quy trên chiếc Dreamliner 787 tại Boston và một sự cố ắc quy khác trong chuyến bay tại Nhật, Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) hôm 16/1 đã ra lệnh ngừng bay với Dreamliner. Đây là lần đầu tiên FAA cho “nằm đất” toàn bộ một phi đội máy bay kể từ năm 1979, khi họ ra lệnh cấm bay đối với dòng DC-10 sau một loạt vụ tai nạn chết người.
Các nhà quản lý trên khắp thế giới đang tích cực điều tra về những sự cố liên tiếp vừa qua. Nhưng không có nhiều điều để nói cho đến khi có những kết luận chính thức. Đại diện Boeing hiện vẫn từ chối bình luận về những vấn đề sản xuất trong quá khứ nhưng cho biết, các kỹ sư của họ đang nỗ lực hết sức để phối hợp tìm ra nguyên nhân những sự cố gần đây. “Cho đến khi các cuộc điều tra đi tới kết luận, chúng tôi không thể suy đoán gì về các kết quả. Chúng tôi tự tin 787 an toàn”, Boeing khẳng định.
Tuyên bố thì là vậy, nhưng trong lúc này, các lãnh đạo Boeing chắc chắn không khỏi đau đầu lo ngại loạt sự cố vừa qua có thể ảnh hưởng tới cuốn sổ đặt hàng. “Người khổng lồ” Mỹ đang được đặt sản xuất 800 chiếc Dreamliner, giao hàng trong vòng một thập niên tới, và kịch bản tồi tệ nhất là khi các hãng hàng không rút lại đơn hàng.
Một viễn cảnh ảm đạm khác là khi các nhà quản lý phát hiện những trục trặc nghiêm trọng và đòi hỏi công tác khắc phục tốn kém thời gian, có thể gây trì hoãn chuyển giao hàng, từ đó dẫn tới các khoản bồi thường thiệt hại nặng nề hoặc buộc chiết khấu bán hàng trên quy mô lớn. Một báo cáo của Bloomberg vừa đưa ra dự báo, trong trường hợp xấu nhất, Boeing có thể tổn thất khoảng 5 tỉ USD!
Những viễn cảnh nói trên không chỉ đe dọa mục tiêu giao 1.100 chiếc Dreamliner của Boeing trong 10 năm tới, mà còn ảnh hưởng tới mối quan hệ với các hãng hàng không thế giới trong thời điểm người ta đang nói nhiều về sự xuất hiện của những đối thủ cạnh tranh mới từ Nga và Trung Quốc.
Theo các nhà quan sát, kịch bản tốt nhất với các bên, cả nhà sản xuất máy bay và hãng hàng không, là khi các lỗi được nhận diện nhanh chóng và việc sửa chữa khắc phục có thể hoàn tất trong vòng vài tháng. Điều này có vẻ không khả quan lắm khi mới đây nhất, hôm 29/1, kết quả điều tra ban đầu nguyên nhân gây cháy đối với chiếc Dreamliner 787 của hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) cho thấy hệ thống ắc quy không phải là thủ phạm chính như suy đoán ban đầu.
Kết quả nói trên có nghĩa là thời gian các máy bay phải nằm chờ kiểm tra sẽ kéo dài. “Nếu lỗi không ở hệ thống ắc quy thì chúng ta phải quay lại kiểm tra bản vẽ thiết kế. Chúng ta biết rằng đó là một vấn đề liên quan đến hệ thống điện chứ không phải cấu trúc và đó sẽ là trọng tâm của các nhà điều tra”, một chuyên gia của ANA nhận định. Ông Keith Hayward, Trưởng bộ phận nghiên cứu thuộc Hiệp hội hàng không Hoàng gia Anh cũng không lạc quan về việc sớm xác định được nguyên nhân. Theo ông Hayward, nếu rắc rối không phải do ắc quy, có khả năng Boeing sẽ phải tiến hành thiết kế lại chiếc 787.
Trong khi đó, các khách hàng của Boeing chỉ còn biết “buốt ruột” tính thiệt hại khi những chiếc Dreamliner nằm đất chưa biết đến khi nào. Đó là chưa kể đến những tổn hại về danh tiếng không thể định lượng, một mối lo ngại đã khiến Phó Chủ tịch ANA phải cúi rạp mình xin lỗi hành khách và người thân của họ sau sự cố với chiếc 787 của hãng.
Thu Hằng