Mỗi năm khi mùa hè đến, nhiều ngôi làng dưới chân dãy Himalaya ở phía bắc Nêpan gần như không một bóng người. Người dân đã đổ cả lên núi săn tìm “yarchagumba”, tiếng địa phương để chỉ đông trùng hạ thảo - vốn là dạng nấm ký sinh trên con sâu non của một loài bướm, có giá trị rất cao nhờ tính năng tăng cường chức năng sinh lý và bồi bổ sức khỏe.
Tuy nhiên, những năm gần đây, thu hoạch đông trùng hạ thảo đã sụt giảm nặng nề do hoạt động tìm bắt quá mức và hiệu ứng của biến đổi khí hậu. Thực trạng này đã dẫn đến những mối lo ngại về tương lai của thứ đông dược được mệnh danh là “thần dược Viagra của dãy Himalaya” này.
Theo những người dân địa phương, vốn lệ thuộc vào nguồn đông trùng hạ thảo quý hiếm để kiếm tiền nuôi gia đình, thì mùa đông trùng hạ thảo năm nay đặc biệt kém. “Chúng tôi trở về nhà mà không thể tìm được nổi quá 10 con đông trùng hạ thảo trong một tháng” - Nar Bahadur Bohara, một người đã lùng sục khắp vùng hẻo lánh thuộc huyện Darchula ở tây bắc Nêpan, nói - “Những người từng kiếm được 150 -200 con trong vụ năm ngoái thì năm nay chỉ tìm được 20-30 con”.
Đông trùng hạ thảo có giá trị rất cao nhờ những tính năng bồi bồ sức khỏe theo quan niệm của người Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Một người “săn” đông trùng hạ thảo khác là Narendra Thekare thì cho biết, khu vực này đã không có mưa suốt 2 tháng qua, còn mùa đông năm ngoái thì mưa tuyết, vốn rất cần để ký sinh trùng phát triển, lại rất ít. “Sản lượng đông trùng hạ thảo đã giảm mạnh trong 5 năm qua. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn trong vài năm nữa, thì nguồn đông trùng hạ thảo có thể sẽ biến mất”, Therake chán nản cho biết.
Mặc dù thu hoạch giảm, hoạt động xuất khẩu vẫn mang lại nguồn nguồn tiền quan trọng cho nền kinh tế còn nặng tính địa phương của Nêpan. Hằng năm, từ tháng 4 đến tháng 6, hàng ngàn người dân vùng Himalaya lùng sục khắp các sườn núi với hy vọng kiếm đủ số đông trùng hạ thảo để nuôi gia đình trong cả năm. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt có thể dẫn đến bạo lực. Tháng 11 năm ngoái, 19 người dân đã bị buộc tội giết hại 7 “đối thủ” trong một trận chiến tranh giành đông trùng hạ thảo vào năm 2009 ở Nar, một ngôi làng biệt lập ở độ cao 4.000 mét so với mực nước biển.
Trung Quốc, nước láng giềng của Nêpan, là thị trường tiêu thụ khổng lồ đông trùng hạ thảo. Nhu cầu lớn trong khi nguồn cung lại ít nên giá của loại đông dược này đã lên tới trên 2.550 USD (trên 50 triệu VND)/100 gram.
Mỗi con yarchagumba thực ra là hai sinh vật, gồm ấu trùng của con bướm ma có tên khoa học Thitarodes và loài nấm Cordyceps. Vào mùa đông, bào tử nấm tấn công ấu trùng khi nó đang nằm dưới đất, hút chất dinh dưỡng làm cho con sâu chết. Đến mùa hạ, nấm sinh ra chất đệm, mọc chồi lên khỏi đầu con sâu và vẫn dính liền vào nhau. Vào mùa đông thì nhìn cặp cá thể này giống con sâu (trùng), còn đến mùa hè thì chúng trông giống một loài thực vật (thảo) hơn.
Đông trùng hạ thảo quý nhất là được khai thác ở cao nguyên Tây Tạng (gồm Tây Tạng, Thanh Hải, phía tây tỉnh Phúc Kiến, tây nam Cam Túc và tây bắc tỉnh Vân Nam - Trung Quốc) và các khu vực lân cận thuộc Ấn Độ, Nêpan và Butan. Chưa có nghiên cứu dứt khoát nào của các nhà khoa học phương Tây về công dụng của đông trùng hạ thảo, nhưng các nhà thảo dược học Trung Quốc tin rằng, loài đông dược này hội tụ “tam âm, tam dương” (mùa đông – mùa hè; đất – trời; thực vật – động vật) nên có thể điều tiết sức khỏe con người. Ngâm rượu, hoặc ngâm trong nước để pha trà hay thêm vào các món súp hay món hầm, đông trùng hạ thảo được cho là có khả năng chữa nhiều loại bệnh từ suy nhược cơ thể cho tới ung thư, bên cạnh tác dụng tăng cường chức năng sinh lý.
Với người phương Tây, đông trùng hạ thảo hầu như không được biết đến cho tới tận năm 1993, khi nó được cho là một trong những bí mật giúp đội điền kinh hỗn hợp nữ của Trung Quốc lập kỷ lục thế giới tại Stuttgart (Đức). Huấn luyện viên của đội này cho biết, các vận động viên của ông đã được uống huyết rùa ngâm đông trùng hạ thảo.
Gần đây, một nghiên cứu của ông Uttam Babu Shrestha, một học giả tại Đại học Massachusetts (Mỹ), cho thấy, thu hoạch đông trùng hạ thảo ở Nêpan đã giảm đáng kể. Ông Shrestha đổ lỗi cho hoạt động tìm kiếm quá mức và biến đổi khí hậu. “Năm nay tình hình thật tệ. Có 16 đồng cỏ ở đây, đã mở cửa được 15 ngày, và khoảng 5.000 người đã đổ tới đây trong thời gian đó để tìm kiếm đông trùng hạ thảo mà không phát hiện được con nào”. Shrestha cảnh báo, “với đà này, đông trùng hạ thảo ở Nêpan có thể biến mất trong vòng 10 năm nữa”.
Sự quý và hiếm đông trùng hạ thảo khiến người ta cho rằng phần lớn đông trùng hạ thảo đang được bày bán ở Trung Quốc và một số nước, trong đó có Việt Nam, đều là đồ giả.
Thu Hằng