Con người có thể đã đi săn các loài thú lớn này, nhưng họ không lưu lại đây lâu. Họ sử dụng hồ nước cạn này như một điểm nghỉ chân để tiếp tục một hành trình dài hơn.
Cảnh tượng chi tiết này đã được các nhà nghiên cứu tái hiện trong một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Science Advances ngày 17/9, sau khi giới khoa học tuyên bố đã phát hiện dấu chân người và động vật cổ đại trên sa mạc Nefud, góp phần làm sáng tỏ về những hành trình mà tổ tiên cổ đại của chúng ta đã đi qua khi họ rời khỏi châu Phi.
Bán đảo Arab ngày nay nổi tiếng với những sa mạc rộng lớn, khô cằn - hội tụ đầy đủ những yếu tố đặc trưng khiến người ta hình dung rằng người tiền sử khó có thể sinh sống được tại đây, và thậm chí cả những loài động vật mà họ săn lùng để làm thức ăn. Nhưng kết quả nghiên cứu trong suốt thập kỷ qua đã chỉ ra rằng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Do sự biến đổi khí hậu tự nhiên, khu vực này đã trở nên xanh hơn và có độ ẩm cao hơn nhiều trong thời kỳ gian băng cuối cùng (là thời kỳ nhiệt độ trung bình của Trái Đất ấm hơn làm tan băng ở các vùng cực và xem kẽ với các thời kỳ băng hà trong một kỷ băng hà).
Đồng tác giả nghiên cứu này - nhà khoa học Richard Clark-Wilson thuộc Royal Holloway giải thích: "Trong quá khứ, đã có lúc những sa mạc chiếm phần lớn diện tích bán đảo này đã chuyển biến thành một đồng cỏ rộng với các hồ nước ngọt và những con sông tồn tại lâu dài".
Phát biểu với báo giới, tác giả đầu tiên của nghiên cứu này - nhà khoa học Mathew Stewart thuộc Viện Sinh thái hóa học Max Planck (Đức) - cho biết những dấu chân người và động vật cổ đại được phát hiện trong quá trình nghiên cứu thực địa của ông vào năm 2017, sau sự xói mòn bên trên lớp trầm tích ở một hồ cổ có tên "Alathar" (có nghĩa là "Dấu vết" trong tiếng Arab). Ông Stewart cho biết: “Những dấu chân là một loại bằng chứng hóa thạch độc đáo ở chỗ chúng có thể cho chúng ta những bức ảnh chụp nhanh rất kịp thời, thường chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày, với độ phân giải tốt hơn hết thảy các mẫu vật khác. Các dấu chân sẽ được xác định niên đại bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là sự phát sáng kích thích quang học - cụ thể là bắn ánh sáng vào các hạt thạch anh và đo năng lượng phát ra từ chúng."
Trong số hàng trăm dấu chân cổ đại được tìm thấy tại sa mạc Nefud, có tổng cộng 7 dấu chân được các nhà khoa học khẳng định là của người homo sapiens, trong đó có 4 dấu chân có hướng đi giống nhau, khoảng cách giữa các bước chân là như nhau và có sự khác biệt về kích thước. Theo các nhà khoa học, nhóm dấu chân này đây có thể là của 2 hoặc 3 cá nhân đi cùng nhau.
Ông Stewart cho biết “có vẻ như những người này đến hồ để tìm nguồn nước, cùng thời điểm những loài động vật kia tới đây để kiếm ăn" và có lẽ mục đích của họ cũng là để săn những loài vật này. Những con voi - đã tuyệt chủng ở vùng Levant gần đó khoảng 400.000 năm trước - được cho là con mồi đặc biệt hấp dẫn đối với người homo sapiens. Ngoài ra, sự xuất hiện của loài voi cũng khiến các nhà khoa học liên tưởng đến những nguồn nước ngọt và cây xanh dồi dào tại khu vực này ở thời điểm đó.
Cùng với những dấu chân của người và động vật ở thời kỳ tiền sử, các nhà khoa học còn phát lộ khoảng 233 hóa thạch và nhiều khả năng đây là những hóa thạch của các loài vật ăn thịt do "sức hút" của các loài vật ăn cỏ mà tìm tới hồ Alathar.
Các nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng người homo sapiens rời khỏi châu Phi để tới các lục địa Á - Âu từ cách đây 180.000 - 210.000 năm, qua miền Nam Hy Lạp và sông Levant, đồng thời khai thác các nguồn tài nguyên ven biển trên đường đi. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy "các tuyến đường trên đất liền, dọc theo các hồ và những dòng sông, có thể cũng đặc biệt quan trọng".
Ông Michael Petraglia - chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Max Planck về khoa học lịch sử nhân loại cho rằng: “Sự hiện diện của các loài động vật lớn như voi và hà mã, cùng với đồng cỏ rộng lớn và nguồn nước rộng lớn, có thể khiến miền Bắc Arab trở thành một nơi đặc biệt hấp dẫn để con người di chuyển giữa châu Phi và Á-Âu".