Các hãng chế tạo ô tô lớn của thế giới đang đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, phát triển xe ô tô tự lái nhờ khả năng “cảm nhận, nắm” được thông tin, dữ liệu về đường sá.
Cạnh tranh khốc liệt
Cuộc đua hướng tới mẫu xe thế hệ mới này không chỉ có các hãng chế tạo ô tô lừng danh của Đức, Mỹ, Nhật Bản mà còn thu hút cả các công ty chuyên về công nghệ thông tin. Được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tai nạn đường bộ, giảm tình trạng tắc đường, song việc ứng dụng đại trà mẫu xe của tương lai này còn gặp rất nhiều trở ngại.
Chủ tịch hãng Daimler bước ra từ chiếc ô tô tự lái ngày 10/9/2013. Ảnh: AP |
Tại triển lãm ô tô quốc tế ở Đức mới đây, Chủ tịch hãng xe Daimler (Đức) đã đích thân ngồi thử trên băng ghế sau một chiếc ô tô tự lái trước khi khẳng định thế hệ ô tô tương lai này là một bước tiến lớn hướng tới việc giảm thiểu tai nạn ô tô. Được phát triển dựa trên cơ sở mẫu xe cao cấp Mercedes Benz, mẫu xe tự lái của Daimler đã được đưa ra chạy không chỉ ở đường thử mà là ngay trên đường bình thường. Ngoài Daimler, một hãng chế tạo khác của Đức là Volkswagen (VW) cũng đang bắt tay nghiên cứu chế tạo xe tự lái.
Các hãng xe của Mỹ có thể nói là đã bắt đầu nghiên cứu phát triển dòng xe tương lai này từ khá sớm. General Motor (GM) đang hướng tới mục tiêu sẽ đưa mẫu xe này vào sản xuất, tiêu thụ từ nửa cuối thập kỷ này.
Trong khi đó, các hãng xe Nhật Bản cũng không chịu thua kém. Vào tháng 8, Nissan đã công bố chiếc xe thử nghiệm dựa trên cơ sở chiếc Leaf động cơ điện. Nissan cũng đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là sẽ bắt đầu bán xe tự lái vào năm 2020. Xe mẫu của Nissan được trang bị 5 camera, có khả năng “đọc” được tình trạng đường sá, tự lựa chọn tốc độ và đường đi. Toyota, hãng chế tạo ô tô lớn nhất Nhật Bản cũng cho biết đang nghiên cứu, phát triển dòng xe này.
Công nghệ thông tin “vào cuộc”
Nắm bắt xu thế phát triển, các hãng chế tạo phụ tùng và các công ty công nghệ thông tin cũng nhanh chóng “nhảy” vào lĩnh vực mới mẻ này. Đương nhiên là mẫu xe của tương lai này không thể thiếu được các thiết bị cảm ứng điện tử tính năng cao cũng như các thiết bị thông tin hiện đại nhất.
Về mặt này, có thể nói các công ty công nghệ thông tin ở thung lũng Silicon của Mỹ đang dẫn đầu. Hệ thống thông tin bản đồ của tập đoàn Google của Mỹ đã được đưa vào xe chạy thử nghiệm trên đường bình thường. Nissan, Ford Motor vào năm 2012 cũng đã mở các trung tâm nghiên cứu tại thung lũng Silicon. Hãng IBM của Mỹ mới đây công bố đã liên kết với công ty chuyên cung cấp phụ tùng ô tô Continental của Đức để nghiên cứu hệ thống hỗ trợ xe tự lái. Dự kiến hệ thống này không chỉ dùng cho ô tô mà có thể ứng dụng cho xe máy hai bánh.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trở ngại để mẫu xe của tương lai này đến được người sử dụng. Trước hết là vấn đề giá thành. Với những công nghệ tính năng cao cần thiết, xe tự lái của Toyota dự kiến có giá lên tới hàng trăm ngàn USD. Đó là lý do Toyota khẳng định hãng này chưa tính tới việc “hiện thực hóa” mẫu xe này vào sản xuất vào thời điểm này.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Honda Takanobu Ito cho rằng những mẫu xe tự động hoàn toàn, đến mức lái xe có thể ngủ gật, sẽ nguy hiểm. Quan điểm của Honda là xe tự lái, suy cho cùng, chỉ có tính năng hỗ trợ, giúp lái xe trong quá trình điều khiển, và người lái xe vẫn phải rất tập trung trong quá trình vận hành.
Trong khi đó, nhật báo Wall Street Journal của Mỹ cho rằng để đưa mẫu xe tự lái vào sử dụng, đòi hỏi phải có hệ thống thông tin và những máy tính tính năng cao hơn nữa. Theo bài báo, những xe tự lái còn cần phải được trang bị tính năng cảnh báo người lái xe trong trường hợp xe rơi vào tình trạng không thể tự lái.
Tri Phương