Là một trong hai kiến trúc sư đồng thiết kế khoảng 10 tòa nhà tại Trung Quốc, kiến trúc sư Jean Pistre nhận xét “các nước đang phát triển sử dụng hình ảnh những tòa nhà chọc trời để thể hiện tiềm lực mới”. Năm 2014 là một năm kỉ lục với 97 tòa tháp cao trên 200 mét được bàn giao. Thế nhưng dường như năm nay, cơn sốt nhà chọc trời không hề hạ nhiệt và cuộc đua vẫn còn tiếp tục trên toàn thế giới.
Tòa tháp Burj Khalifa tại Dubai là công trình cao nhất thế giới. |
Được bàn giao vào năm 2010, tòa tháp Burj Khalifa tại Dubai, cao 828 mét, trở thành công trình cao nhất thế giới. Song kỉ lục này sắp bị phá vào năm 2020 với tòa tháp Kingdom Tower cao tới 1.010 mét, đang được xây tại Djedda ở Saudi Arabia.
Để thực hiện giấc mơ “cao hơn và ấn tượng hơn”, các chủ đầu tư không ngần ngại chi ra những khoản tiền khổng lồ. Chẳng hạn như tòa tháp One World Trade Center (New York, Mỹ), được khánh thành vào năm 2014, hiện là tòa tháp đắt nhất thế giới, với kinh phí xây dựng lên tới 3,9 tỉ USD. Tòa tháp tương lai cao nhất thế giới Kingdom Town tại Saudi Arabia cũng "chỉ" tiêu tốn "có" 1,2 tỉ USD.
Ngoài ra, các chủ đầu tư thường thích xây nhà cao tầng vì tính hợp lý của nó. Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay, quỹ đất ngày càng trở nên hạn hẹp và giá đất đắt đỏ hơn. Theo kiến trúc sư Jean-Paul Viguier, tác giả của sáu tòa cao ốc, trong đó có một tòa tháp tại Chicago, thì các tòa nhà chọc trời cho phép tránh quá trình đô thị hóa theo chiều rộng và kéo dài đường giao thông, cũng như thời gian đi lại.
Tuy nhiên, tùy theo mỗi nước, các tòa nhà chọc trời có những tính năng khác nhau. Tại Pháp, hầu hết các tòa nhà chọc trời đều được dùng làm văn phòng, do những tòa chung cư cao tầng được xây trong thập niên 1970 không được đánh giá cao về mặt kiến trúc, thẩm mỹ cũng như tính năng thuận tiện. Ngược lại, tại nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, các tòa nhà cao tầng hầu hết có chức năng hỗn hợp: vừa có văn phòng, trung tâm mua sắm, vừa có khách sạn và nhà ở, như tòa tháp The Shard tại Luân Đôn cao nhất châu Âu (310 mét).
Còn tại một số thành phố lớn khác trên thế giới, phải là người rất giàu mới có thể sở hữu một căn hộ cao cấp trên các tháp chọc trời. Ví dụ, một căn hộ hai tầng rộng 1.000 mét nằm trên tòa tháp One mới xây xong tại New York, có giá tới 86,7 triệu euro.
Những tòa tháp ngày càng ấn tượng hơn nhờ các tập đoàn xây dựng lớn ngày càng giàu kinh nghiệm và thời gian thi công được rút ngắn nhờ áp dụng công nghệ cao. Tại Pháp, cách đây 30 năm phải mất tới 7 tới 8 ngày mới xây xong một tầng, giờ chỉ cần 4 ngày là đủ.
Tại châu Âu, cũng như tại Pháp, các tòa tháp cao tầng “bán chạy như tôm tươi” vì nhiều lý do. Thứ nhất, đầu tư vào bất động sản cho thuê văn phòng luôn mang lại nguồn lợi lớn. Hơn nữa, tòa tháp càng cao, thì sẽ càng có nhiều công ty thuê làm văn phòng. Vì vậy, chủ sở hữu không bị ảnh hưởng nặng nếu chẳng may một người thuê "bỏ cuộc".
Thứ hai, tại châu Âu không có nhiều tòa tháp cao nên hiếm khi có cơ hội chuyển nhượng. Chính vì vậy, các tòa tháp tại đây luôn được ra giá cao và thường thu hút các nhà đầu tư châu Á và Trung Đông. Những tỉ phú này quen với việc đầu tư vào các tòa nhà cao tầng nên họ thích đặt cả một khoản tiền khổng lồ vào một tài sản, hơn là mua nhiều tòa nhà cổ tại Paris, vì càng nhiều tài sản thì chi phí quản lý càng lớn.