Cuộc chiến chống "sự ngọt ngào" ở Anh

Trong một tòa nhà văn phòng hiện đại ở Westerham thuộc Hạt Kent, vùng Tây Nam nước Anh, một nhóm người bình thường với những quyền năng đặc biệt đang được tập hợp. Hàng ngày họ đến đây, khoác lên mình chiếc áo của phòng thí nghiệm và thực hiện những thử nghiệm quan trọng mà chúng ta chưa bao giờ từng nghe thấy. Cụ thể, đây là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống sự ngọt ngào mang tên "đường".

Các chuyên gia gọi đường là một thứ "thuốc lá mới".


Phòng thí nghiệm độc lập Tiếp thị Khoa học Không giới hạn (MSU) là nơi các nhà sản xuất thực phẩm mang sản phẩm của họ tới cho những người tiêu dùng bình thường nếm thử và xem xem liệu khách hàng có chấp nhận những thay đổi trong thành phần nguyên liệu sản phẩm - đồng nghĩa với việc người ta rốt cuộc có thể bớt tiêu thụ quá nhiều đường như hiện nay hay không.

Các chuyên gia gọi đường là một thứ "thuốc lá mới" và ngay tuần trước, một báo cáo của Ủy ban các nhà khoa học đã khuyến nghị giảm lượng tiêu thụ đường xuống một nửa mức hiện nay. Lý do bởi thứ chất ngọt ngào này không chỉ gây bệnh béo phì mà còn là thủ phạm của các bệnh khác như tiểu đường tuýp II, ung thư, bệnh tim, mệt mỏi mãn tính và sâu răng. Các nhà dinh dưỡng học nói rằng lượng calo mà chúng ta hấp thu hàng ngày từ đường không nên chiếm quá 5% - tương đương 7 thìa cà phê đường. Nhưng chỉ một lon Coca-Cola hay Pepsi thôi cũng đã chứa tới 9 thìa cà phê đường, trong khi phần lớn các đồ uống ngọt bày bán tại các siêu thị có chứa từ 9 đến 13 thìa cà phê đường.

Lượng đường tiêu thụ gia tăng tỉ lệ thuận với tỉ lệ ốm đau do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh. Theo Hiệp hội Y khoa Anh, vấn đề ốm đau do chế độ ăn uống ở Anh được cho là dẫn tới 70.000 trường hợp chết sớm mỗi năm, tương đương gần 12% tổng số tử vong. Chi phí để điều trị các bệnh do chế độ ăn không lành mạnh tiêu tốn của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) khoảng 1,6 tỉ bảng/năm.

Để giảm lượng đường tiêu thụ đồng nghĩa với việc chấp nhận một sự thay đổi trong những thực phẩm quá ngọt, quá béo đang được phục vụ bởi các siêu thị và các nhà sản xuất hàng ngày. Giáo sư Graham MacGregor thuộc Viện Wolfson, Cao đẳng Queen Mary, Đại học London, và là Chủ tịch Nhóm vận động chống tiêu thụ đường quá nhiều, kêu gọi chính phủ cần có hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề này. Theo ông, nước Anh có thể vận dụng kinh nghiệm giảm lượng muối thành công trong những năm gần đây để giảm đường. "Chúng ta đã rất thành công trong việc giảm muối. Tỉ lệ muối trong thực phẩm đã giảm khoảng 30-40% mà không ai để ý", Giáo sư MacGregor nói. "Đó là bởi vì ý chí chính trị trong chính phủ Công đảng. Chúng ta có thể làm điều tương tự với đường và chất béo".

Tại Anh, khoảng 1/5 lượng ngũ cốc ăn sáng hiện nay chứa nhiều đường hơn so với 3 năm trước và một số loại ngọt hơn tới 18%. Nước Anh tiêu thụ khoảng 2,25 triệu tấn đường mỗi năm, 75% trong số đó được bán trực tiếp cho ngành công nghiệp thực phẩm. Và kể từ năm 1990, lượng tiêu thụ đường ở "Xứ sở sương mù" đã tăng 33%.

Trong khi đó, bà Anna Herron thuộc MSU cho biết ngày càng có nhiều nhà sản xuất thực phẩm sẵn sàng muốn giảm lượng đường trong các sản phẩm của họ, nhưng vấn đề ở đây là nhiều người tiêu dùng đã quen với độ ngọt của những đồ ăn thức uống đó và thay đổi thói quen của họ không phải dễ. Bà Herron cho rằng người tiêu dùng chờ đợi hành động từ ngành công nghiệp thực phẩm chứ không phải thói quen riêng của họ. "Tất cả các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy người tiêu dùng không muốn thay đổi và họ cảm thấy rằng giảm lượng đường là trách nhiệm của nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống", bà nói. "Nhiều công ty cũng đang nghĩ như vậy. Chúng tôi đang chứng kiến ngày càng nhiều công ty muốn thử nghiệm việc giảm lượng đường trong sản phẩm và chờ đợi phản ứng của khách hàng đối với sản phẩm mới của họ".

Và như thế, các thử nghiệm ở Westerham sẽ tiếp tục, và giới chuyên gia cũng như các nhà chuyên môn ở nước này sẽ tiếp tục cầu nguyện cho một sự đột phá trong cuộc chiến chống sự ngọt ngào chết người của đường.


Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại Anh)
An toàn thực phẩm, chuyện không của riêng ai
An toàn thực phẩm, chuyện không của riêng ai

Cậu bé 6 tuổi Owen Carrignan ở thị trấn Millbury, bang Massachusett, Mỹ một ngày nọ hơn một năm về trước bỗng lên cơn đau bụng dữ dội từ lúc trở về nhà sau một bữa tiệc ngoài trời ở nhà bạn. Bé trai đang khỏe mạnh bỗng phải sớm nhập viện trong tình trạng tiêu chảy nặng và suy thận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN