Giây phút những nụ hoa anh đào đầu tiên nở rộ cũng là thời khắc sang Xuân tại "xứ sở Mặt Trời mọc". Nhật Bản chính thức bước vào mùa hoa anh đào đẹp nhất trong năm. Tuy nhiên, một số điểm tham quan đã từ chối tiếp nhận du khách nước ngoài đến thăm sau nhiều báo cáo về hành vi cư xử thô lỗ, thiếu văn hóa. Từ khách du lịch Trung Quốc đến người phương Tây, cộng đồng quốc tế đã đẩy truyền thống hiếu khách của người Nhật Bản đến giới hạn.
Trong tháng 3 và tháng 4/2018, Nhật Bản đã đón nhận 5,5 triệu lượt du khách quốc tế. Con số dự kiến sẽ tăng lên khi quốc gia này đặt mục tiêu đạt mỗi năm bình quân có 40 triệu lượt khách tham quan vào năm 2020. Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là có nhiều điểm du lịch kiên quyết không muốn khách du lịch nước ngoài đến thăm.
Phiên bản tiếng Anh của nhật báo The Asahi gần đây cho biết một số địa điểm du lịch của Nhật Bản đang lan truyền chính sách “không người nước ngoài”. Theo đó, họ từ chối khách du lịch không phải người Nhật Bản đến du lịch theo nhóm vì cách hành xử tồi tệ và hành động không phù hợp với quy chuẩn văn hóa bản địa.
Ngôi đền Nanzoin ở tỉnh Fukuoka là một trong những địa điểm thực hiện chính sách “không người nước ngoài”.
Trước đó, các nhà sư trong ngôi đền đã phàn nàn về việc một số khách đến từ các tàu du lịch ghé thăm Fukuoka đã làm thay đổi bầu không khí thanh tịnh của ngôi đền nổi tiếng với bức tượng Phật nằm bằng đồng dài 41 mét này.
Du khách thường xuyên đắm mình vui chơi tại thác nước trong khuôn viên của đền, sử dụng loa di động mang theo phát ra âm thanh ồn ào. Thậm chí nhiều người còn leo lên mái đền. Năm 2016, khi sự kiên nhẫn đã quá giới hạn, các sư thầy đành phải yêu cầu trang website du lịch địa phương xóa toàn bộ thông tin về ngôi đền. Thay vào đó, du khách sẽ tìm thấy các thông báo không đón tiếp các nhóm khách du lịch không phải người Nhật Bản bằng 12 loại ngôn ngữ. Tuy nhiên, khách du lịch đi riêng lẻ vẫn được phép vào thăm quan vì họ được cho là có lối hành xử văn minh hơn.
Tại tỉnh Kumamoto, đền thờ Yatsushiro cũng hứng chịu tình trạng tương tự. Lượng khách du lịch đến đây tham quan trong ngày thường bị quá tải, trong khi một chủ sở hữu quán nhậu đông đúc Izakaya ở thành phố Kyoto thừa nhận rằng anh ta phải nói dối về việc cửa hàng đã hết chỗ nếu có nhóm từ 5 người nước ngoài trở lên xuất hiện. Anh chia sẻ với báo Asahi: “Tôi hy vọng Kyoto nên ngừng các chiến dịch quảng bá du lịch nhắm vào du khách nước ngoài”.
Tuy nhiên, trang báo không nói rõ những vị khách du lịch rắc rối thường đến từ đâu, mặc dù nhiều người nhanh chóng ngầm hiểu đó là những vị khách Trung Quốc – bộ phận du khách ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành du lịch Nhật Bản. Không chỉ vậy, một số du khách phương Tây cũng đã có những hành vi xấu xí khi tới đây du lịch.
Sư thầy Shingon Daniel Kimura, tu tại đền Sekishoin, chia sẻ với báo Guardian của Anh rằng mình đã từng rất thất vọng đối với những vị khách nước ngoài kiêu ngạo. “Tất nhiên, họ không nói tiếng Nhật và họ đến đây với hy vọng sẽ nhận được những điều tốt lành một cách dễ dàng. Họ trở nên thiếu kiên nhẫn, ngay cả đối với một thầy tu hoặc một vị sư tăng. Bản thân tôi đã rất thất vọng về điều đó”.
Ngôi đền Sekishoin có tuổi đời hơn 1.000 năm là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng của Nhật Bản. Đây là nơi du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của sư tăng trong những căn phòng cho thuê đậm chất văn hóa xứ hoa anh đào.
Đã có một vị khách tham gia trải nghiệm đánh giá tiêu cực về bữa ăn của những người tu theo đạo Phật và than rằng những bữa ăn này hoàn toàn không giống với bất kỳ món ăn nào mà họ từng nếm thử.
Sư thầy Kimura đã dùng những lời lẽ hết sức thuyết phục để đáp lại vị khách: “Vâng, đó là ẩm thực tuyệt vời của tu viện Nhật Bản mà bạn chưa từng được biết đến.”
Nhận xét tiêu cực về bữa ăn của ngôi đền đã bị xóa khỏi trang du lịch Booking.com, nhưng nó như một lời nhắc nhở rằng tôn trọng truyền thống và văn hóa mà chúng ta không quen thuộc là điều cần thiết khi đến một nơi xa lạ. Nếu thể hiện ra vốn kiến thức hạn hẹp, chúng ta sẽ phải nhận hậu quả, cho dù đó là bị chỉ trích hoặc thậm chí tẩy chay.