Ngồi trước micro và một màn hình khổng lồ, Ryu Sun-yun bắt đầu trò chuyện với người đàn ông xuất hiện trong khung hình. “Em yêu, anh đây” là câu đầu tiên mà nhân vật trong đoạn video lên tiếng.
Khi biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, Lee Byeong-hwal (76 tuổi), người Hàn Quốc, đã yêu cầu công ty khởi nghiệp DeepBrain AI tạo ra một bản sao kỹ thuật số xuất hiện trong video kéo dài trong một vài giờ đồng hồ.
Chia sẻ về chương trình “Kí ức” mà bà Ryu Sun-yun đang tham gia, Joseph Murphy - người đứng đầu bộ phận phát triển của DeepBrain AI - cho biết: "Chúng tôi không tạo ra nội dung mới, chẳng hạn như những câu mà người quá cố sẽ không bao giờ nói hoặc ít nhất những câu này được viết ra dựa trên những cảm xúc thực, những việc đã diễn ra trong cuộc đời họ”.
Ý tưởng của DeepBrain AI cũng đang được công ty StoryFile triển khai. Họ đã sử dụng hình ảnh của nam diễn viên William Shatner (92 tuổi) để quảng bá cho dịch vụ mới này.
“Cách tiếp cận của chúng tôi là nắm bắt cảm xúc kỳ diệu của một cá nhân, sau đó sử dụng các công cụ AI để hiện thực hóa hình ảnh”, Stephen Smith, ông chủ của StoryFile với ứng dụng Life thu hút hàng nghìn người sử dụng, cho hay.
Vài tháng trước, doanh nhân người Ấn Độ Pratik Desai đã gây xôn xao trên mạng xã hội khi đề nghị mọi người lưu âm thanh hoặc video của "cha mẹ, người lớn tuổi và những người thân yêu". Dự kiến cuối năm nay, công ty của Desai sẽ có thể tạo hình đại diện tự động của người đã khuất dựa trên những tư liệu đã được ghi âm.
Thông báo đăng trên Twitter đã gây tranh cãi đến mức vài ngày sau, Desai phải lên tiếng đính chính: "Đây là một chủ đề rất cá nhân và tôi thành thật xin lỗi vì đã làm tổn thương mọi người. Chúng tôi chỉ muốn để mắt đến lĩnh vực này vì đạo đức”.
Sau cái chết của người bạn thân nhất trong một vụ tai nạn xe hơi vào năm 2015, kỹ sư người Nga Eugenia Kyuda, di cư đến California, đã tạo ra một "chatbot" tên là Roman giống như người bạn đã khuất của cô, dựa từ hàng nghìn đoạn tin nhắn mà anh đã gửi trước đó cho người thân. Hai năm sau, Kyuda ra mắt Replika – một ứng dụng chatbot được cá nhân hóa thuộc hàng tinh vi nhất trên thị trường.
Không chỉ dừng lại ở người đã khuất, nhiều công ty công nghệ còn muốn tạo ra các bản sao ảo khi người dùng vẫn còn sống để họ có thể tồn tại trong một vũ trụ song song sau khi chết. Công ty Somnium Space, có trụ sở tại London, dự kiến công bố một phần mềm tương tự vào cuối năm.
Nhờ trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ dựng lại bản sao ảo cho phép hình đại diện của những người thân yêu đã khuất nói những điều họ chưa kịp nói khi còn sống.
Candi Cann, giáo sư tại Đại học Baylor đang nghiên cứu chủ đề này tại Hàn Quốc, cho biết: "Tôi nghĩ sẽ rất hữu ích khi việc trò chuyện với phiên bản AI của một người đã khuất giúp khép lại những nỗi đau mà trước đó, sự ra đi của người đó để lại những chấn thương tâm lý cho người ở lại”.
Tuy nhiên, vẫn có những người đặt câu hỏi về đạo đức của công nghệ mới. Mari Dias, giáo sư tâm lý học y tế tại Đại học Johnson & Wales (Mỹ), đã hỏi nhiều bệnh nhân đã mất người thân về việc trò chuyện lại với họ.
"Câu trả lời phổ biến nhất là 'Tôi không tin AI. Tôi sợ nó sẽ nói điều gì đó mà tôi không chấp nhận'. Câu trả lời làm tôi có ấn tượng rằng họ nghĩ rằng họ không có quyền kiểm soát đối với những gì công nghệ ảo tạo ra”, chuyên gia giải thích.