Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong ký ức bè bạn Cuba

Khách đến thăm Cuba, ra khỏi sân bay quốc tế Jose Marti sẽ gặp ngay đường Nguyễn Văn Trỗi chạy ngang qua trước cửa nhà ga số 1 và bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể nhận ra ngay bức tượng người anh hùng Việt Nam thời chống Mỹ đặt trên bệ cao hơn 3 mét ở vị trí nổi bật tại giao lộ với đường Boyeros chạy thẳng từ phi trường về trung tâm thủ đô La Habana.

Tượng đài anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đặt ở ngã tư con đường cùng tên và đại lộ Boyeros ở thủ đô La Habana.


Giống như trường hợp chị Võ Thị Thắng, Nguyễn Văn Trỗi cũng nổi tiếng ở Hòn đảo Tự do từ một tấm ảnh từng được các hãng tin quốc tế phát đi ngày 15/10/1964 sau khi anh bị quân thù đưa ra xử bắn ở pháp trường trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài. Những phút cuối cùng, anh nhất quyết không chịu để bịt mắt và hiên ngang hô to những lời cuối cùng được các nhà báo ghi lại:

“Hãy nhớ lấy lời tôi
Đả đảo đế quốc Mỹ
Đả đảo Nguyễn Khánh
Hồ Chí Minh muôn năm
Hồ Chí Minh muôn năm
Hồ Chí Minh muôn năm!"


Vào những năm 1960 và 1970 thế kỷ trước, báo chí, các đài phát thanh và truyền hình Cuba đã liên tục đưa tin về các cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược và những buổi tọa đàm, hội thảo về những tấm gương anh hùng của các chiến sĩ thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong các tầng lớp học sinh, sinh viên và Đoàn thanh niên Cộng sản Cuba thời ấy. Tên tuổi của các anh hùng, dũng sĩ như Nguyễn Thị Định, Tạ Thị Kiều, Võ Thị Thắng, Nguyễn Văn Trỗi được nhắc đến hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đã trở nên quen thuộc đối với đông đảo người dân Cuba.

Ngoài con đường mang tên Nguyễn Văn Trỗi và bức tượng của anh tạc bằng đá cẩm thạch đặt tại nơi giao cắt với đường Boyeros như đã kể trên, tên của người chiến sĩ biệt động Sài Gòn còn được đặt cho một vườn hoa, một bệnh viện và một trường học của thành phố La Habana. Tại tỉnh miền đông Guantanamo cách xa thủ đô La Habana hàng nghìn cây số, sân vận động Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng hiện đại và khánh thành tháng 11/1965 nhằm phục vụ cho việc phát triển sự nghiệp thể dục thể thao nói chung và đặc biệt là môn bóng chày truyền thống của Cuba ở vùng này.

Điều rất xúc động là ở Cuba từ nhiều năm nay, người ta luôn nói về các anh hùng, liệt sĩ của đất nước Việt Nam ở cách xa nửa vòng trái đất với niềm tôn kính và ngưỡng mộ tự đáy lòng. Nhà báo Melissa Cordero Novo quê ở miền Đông, cái nôi của Cách mạng Cuba, coi Nguyễn Văn Trỗi như người con của quê hương mình. Trong bài báo nhan đề “Người liệt sĩ quê ở miền Đông” với hàm ý anh Trỗi quê ở Đông bán cầu nhưng cũng được coi như người miền Đông Cuba, ông viết: “…Những người khổng lồ sinh ra ở mọi nơi trên trái đất này.

Tất cả mọi dân tộc đều sản sinh ra những vị thần Hec-quyn của mình. Những con người ấy đã chiến thắng mọi gian nan, viết nên những thiên anh hùng ca bằng lòng quả cảm, họ sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp và lý tưởng cao cả. Dân tộc Việt Nam có quyền tự hào rằng họ đã có những người con anh hùng như Nguyễn Văn Trỗi. Đối với người dân Cuba cái tên ấy có vẻ hơi khó phát âm, nhưng nó không hề xa lạ chút nào. Chúng ta cũng vô cùng tự hào như các bạn Việt Nam, bởi vì trên đất nước Cuba những cái tên Việt Nam ấy đã đi vào trường học, bệnh viện, đã hiện diện ở những con đường, những sân vận động cùng với lịch sử đấu tranh hào hùng của xứ sở của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Những người Cuba chúng ta nhìn thấy ở hành động dũng cảm quên mình của Nguyễn Văn Trỗi ý chí và tinh thần của những nghĩa quân Mambi trong cuộc chiến tranh giành độc lập ở Cuba thế kỷ 19”.

Nguyễn Văn Trỗi, một người thợ điện sinh ra trong một gia đình nông dân ở miền Trung Việt Nam, từ lúc còn niên thiếu đã gia nhập Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tham gia đội quân biệt động thành phố, chấp nhận chiến đấu trong những điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Ngày 9/5/1964, khi mới ngoài 20 tuổi, anh bị địch bắt trong khi đang thực hiện nhiệm vụ đánh bom trên cầu Công Lý ở Sài Gòn nhằm vào phái bộ quân sự cao cấp Mỹ. Đúng vào thời điểm đó, lực lượng vũ trang giải phóng ở Venezuela đã bắt trung tá Michael Smolen, Phó trưởng phái đoàn quân sự Hoa Kỳ tại Caracas làm con tin và đòi Mỹ-ngụy trả tự do cho người chiến binh “Việt cộng”.

Do thái độ lật lọng của Mỹ, khi những người cách mạng Venezuela thả Smolen thì ngay lập tức họ bật đèn xanh cho chính quyền Sài Gòn giết hại Nguyễn Văn Trỗi vào ngày 15/10/1965. Cái chết của người anh hùng là nỗi đau chung của cả một dân tộc và cũng là niềm tiếc thương vô hạn của những người cách mạng, nhưng như thi hào Chile Pablo Neruda đã viết: “Một đóa hoa có thể bị bẻ gãy, một cánh đồng hoa có thể bị tàn phá, nhưng không thế lực nào ngăn được mùa xuân sẽ tới”.

“Lịch sử đã chứng minh điều đó, không có kẻ thù nào ngăn cản được mùa xuân và mùa xuân tươi đẹp đã tới trên đất nước Việt Nam bởi vì dân tộc này đã sản sinh ra biết bao người con anh hùng, quả cảm, dám hy sinh vì một tương lai huy hoàng, rực rỡ của các thế hệ mai sau”, đồng nghiệp Cuba Melissa Cordero Novo đã kết luận một cách súc tích và rất sâu sắc về Nguyễn Văn Trỗi của chúng ta như thế.

Bài và ảnh: Phạm Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)


Đại sứ quán Venezuela chiếu phim kỷ niệm ngày mất của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi
Đại sứ quán Venezuela chiếu phim kỷ niệm ngày mất của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

Ngày 15/10, Đại sứ quán Venezuela tại Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm "50 năm hành động anh hùng vì anh Nguyễn Văn Trỗi" và chiếu phim tài liệu "Bắt cóc Smolen", nhân kỷ niệm 50 chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi của Venexuela (9/10/1964- 9/10/2014) và 50 năm ngày mất của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (15/10/1964).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN