Một kết quả nghiên cứu do Tạp chí Y học Lancet công bố chỉ vài ngày trước khi diễn ra Thế vận hội Luân Đôn 2012 cho thấy Anh là một trong vài nước có tỷ lệ dân số ít vận động nhất trên thế giới.
Ảnh minh họa, nguồn Internet |
Tại Anh, 63,3% dân số không đáp ứng mức độ hoạt động thể chất cần có, và như vậy làm tăng nguy cơ bị các bệnh như bệnh tim, tiểu đường và ung thư. Với tỷ lệ này, Anh có số người ít vận động cao gấp đôi so với nước láng giềng Pháp. Trong khi đó, Mỹ có 40,5% dân số không chịu khó hoạt động, mặc dù hơn 30% trong số này bị bệnh béo phì.
Như vậy, Anh có tỷ lệ người lớn ít vận động cao thứ ba ở châu Âu, chỉ sau Malta, 71,9% và Serbia, 68,3%. Trên thế giới có một số ít các quốc gia có tỷ lệ người dân thích “tĩnh tại” cao, ví dụ như Saudi Arabi (Arập Xêút), 68,8%.
Người được coi là ít vận động nếu không đáp ứng ba tiêu chuẩn sau: 30 phút hoạt động vừa phải như đi bộ nhanh ít nhất năm ngày/tuần; 20 phút hoạt động thể lực ít nhất ba ngày/tuần; và có sự kết hợp tương đương hai tiêu chí trên.
Kết quả nghiên cứu trên cũng cho thấy rằng cứ 3/10 người lớn trên thế giới, từ 15 tuổi trở nên, là tập thể dục quá ít. Ở nhiều nước châu Âu, con số này là hơn gấp đôi.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng số liệu điều tra của Tổ chức Y thế Thế giới (WHO), qua việc thu thập bản các câu hỏi, để so sánh 122 nước đại diện cho 89% dân số tòan thế giới. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Pedro Hallal, thuộc Trường Đại học Liên bang Pelotas ở Brazil (Braxin) cho biết mặc dù cuộc cách mạng kỹ thuật đã mang lại lợi ích to lớn cho con người, nhưng nó cũng có mặt trái là làm cho con người ít vận động hơn, góp phần làm gia tăng các bệnh không lây trên thế giới và xu hướng này lại chưa được coi trọng như là một vấn đề về y tế.
Ngân Bình (P/v TTXVN tại Anh)