Theo trang mạng Odditycentral, anh Scott Nash - một nhà môi trường học sở hữu chuỗi cửa hàng chuyên về sản phẩm hữu cơ tại bang Maryland (Mỹ) – nảy sinh ý tưởng ăn sữa chua hết hạn từ 6 tháng trước. Anh đã để quên những hộp sữa chua này trong nhà kho vào mùa Xuân. Khi quay trở lại vào mùa Thu, Scott đã dùng nó để trộn sinh tố. Điều đặc biệt là sau khi ăn hết những hộp sữa chua này, Scott không cảm thấy hương vị khác lạ cũng như không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Từ đó, Scott bắt đầu suy nghĩ về việc các công ty sản xuất thực phẩm quy định ngày hết hạn dựa trên cơ sở nào.
“Việc kết luận ngày hết hạn rất mập mờ. Hết hạn được hiểu như thế nào? Đó là hạn dùng tốt nhất hay hạn bán? Tôi nghĩ rằng việc gia hạn sử dụng thực phẩm chưa có sự đồng nhất và điều này làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn”, Scott viết trong một bài đăng trên trang mạng xã hội cá nhân.
“Hệ thống quy định hạn sử dụng dành cho thực phẩm và hàng hóa không ăn được cần phải được sửa đổi. Những thuật ngữ về chất lượng sản phẩm được ghi trên nhãn phải được sử dụng một cách đồng nhất, rõ ràng và dễ hiểu hơn như quy định “hạn dùng tốt nhất” hay “thời hạn sử dụng an toàn nhất” cho từng loại. Đặc biệt, việc quy định hạn sử dụng phải được hình thành dựa trên cơ sở thực tế vì một số mặt hàng như muối, đồ hộp hay khăn trẻ em… không nhất thiết phải ấn định hết hạn vào một ngày cụ thể”.
Trong cuộc thử nghiệm kéo dài suốt một năm, Scott Nash và gia đình đã ăn nhiều thực phẩm quá hạn sử dụng như bánh mì hết hạn 1 năm trước, sữa chua hết hạn khoảng 7, 8 hay 9 tháng, các loại thịt đã hết hạn được 1 tuần, kem sữa béo quá hạn sử dụng ghi trên nhãn vài tháng.
Thậm chí có lần, anh Scott còn sử dụng bơ bị mốc để nấu ăn sau khi để quên hàng tháng trong tủ lạnh. Điều ngạc nhiên là sau khi ăn những thực phẩm đó, sức khỏe của thành viên trong gia đình không gặp vấn đề gì.
Scott thừa nhận một số thực phẩm quá hạn không thể sử dụng và phải bỏ đi, nhưng anh nghĩ có nhiều cách tốt hơn việc kiểm tra ngày hết hạn trên bao bì thực phẩm. Nếu thực phẩm bị hỏng, có mùi hoặc có vị lạ thì bạn không nên ăn nó. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng đều có cảm giác lo âu khi thực phẩm đã quá hạn sử dụng. Nhiều người đã vứt các sản phẩm vẫn còn tươi ngon chỉ vì hạn sử dụng được đặt ra tùy ý.
“Bỏ đi những thực phẩm bị hư hỏng là hoàn toàn hợp lý. Nhưng rất nhiều và hầu hết các loại thực phẩm bị loại bỏ một cách lãng phí chỉ vì việc đặt hạn sử dụng một cách tùy tiện và khó hiểu”, nhà môi trường học cho hay.
Trên bài viết cá nhân, Scott cũng đưa ra các ví dụ về việc quy định ngày hết hạn “ngược đời” trên sản phẩm như “muối 250 triệu năm tuổi” hết hạn vào năm 2020, thực phẩm đóng hộp và đóng chai thực sự có thể sử dụng được trong nhiều năm nhưng lại có ngày hết hạn ngắn đáng ngờ, khăn trẻ em và kem đánh răng cũng không phải ngoại lệ.
Anh cũng cảnh báo người tiêu dùng về “sự hết hạn có tính toán” – một chiến lược mà các tập đoàn sử dụng để khuyến khích người tiêu dùng vứt bỏ những sản phẩm còn dùng tốt dựa trên hạn sử dụng do nhà sản xuất tự đề ra, để họ phải mua những sản phẩm mới nhằm tăng lợi nhuận.
Theo Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và các nhà nghiên cứu thực phẩm, việc quy định đóng hạn sử dụng trên bao bì rõ ràng hơn sẽ giúp giảm lượng chất thải thực phẩm. Tuy nhiên, hiện tại không có luật nào quy định về ngày hết hạn, vì vậy các nhà sản xuất có thể in bất cứ điều gì họ muốn lên bao bì.