Ấm áp nghi lễ đón giao thừa ở Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên quyết định chuyển đổi tổ chức, quản trị xã hội và phát triển quốc gia theo mô hình phương Tây từ thời Thiên hoàng Minh Trị.

Một trong những cải cách đó là việc đón năm mới theo Dương lịch từ năm 1873. Dù đón năm mới theo lịch phương Tây, phong tục đêm giao thừa của người dân Nhật Bản vẫn hoàn toàn mang tính chất truyền thống.

Khác với dày đặc các sự kiện được tổ chức ở nhiều điểm vui chơi trong dịp Giáng sinh như Lễ hội ánh sáng ở Tokyo midtown, Tokyo Colors, Canyon d"Azur... thì trong dịp đón chào năm mới tôi không thấy có sự kiện nào được tổ chức giống như ở các nước phương Tây như đếm ngược thời gian chờ giao thừa hay bắn pháo hoa. Tôi tò mò tìm kiếm thêm thông tin trên internet song quả thực không thấy một thông báo nào chỉ dẫn những tụ điểm vui chơi đêm giao thừa. Ngay cả đèn đường dịp Noel treo rực rỡ dọc nhiều phố lớn như Omotesando hay nhà ga Tokyo hết Noel đều được dỡ đi.

Torii và Menowa - Bước vào thế giới thần linh

Tôi đem thắc mắc hỏi một số người bạn Nhật Bản rằng người Nhật không coi trọng ngày Năm mới bằng Noel thì được giải thích, lễ Giáng sinh là dịp để đi chơi và mua sắm, đồng thời là mùa giảm giá rất mạnh nên thu hút nhiều khách du lịch từ các nơi đổ về Tokyo, thậm chí du khách nước ngoài cũng đến Nhật Bản vào dịp này. Chính vì vậy cần tổ chức thật rầm rộ để đón khách, để mọi người ra phố. Còn năm mới là hoạt động truyền thống với sự quay về gia đình, với các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Những người bạn Nhật Bản cũng rủ tôi và gia đình tới các Đền (theo Thần Đạo) và cầu nguyện đầu năm theo phong tục của Nhật Bản.

Mọi người xếp hàng trật tự chờ đến lượt vào làm lễ Hatsumode.

Sau khi thống nhất, chúng tôi hẹn nhau lúc 12 giờ đêm tại một ngôi đền gần nhà, tôi quyết định đến sớm 30 phút để có thời gian quan sát, tìm hiểu. Chúng tôi hẹn nhau tại ngôi đền có tên Hattonomori, từ lối vào cho tới sân đều được chiếu sáng bởi các ngọn đuốc và nến lớn. Ánh sáng vàng nhạt, ấm áp của hơi lửa mang tới sự khác biệt rõ rệt so với ánh sáng của bóng đèn điện. Những ngọn lửa thỉnh thoảng bị các cơn gió thổi, lay động càng làm cho không gian trở nên sinh động khác thường.

Cổng đền thờ Thần Đạo ở Nhật Bản được gọi là Torii, là nơi đánh dấu ranh giới giữa thế giới trần tục và thế giới thần linh. Trong lúc đứng cùng mọi người xếp hàng chờ tới giờ giao thừa vào lễ đền tôi nhìn thấy phía sau cánh cổng Torii là một cổng chào bằng rơm bện được dựng rất khéo léo và đẹp mắt. Tôi đánh bạo hỏi chuyện một cụ ông mặc bộ đồ trắng truyền thống về ý nghĩa của chiếc cổng rơm. Cụ nở nụ cười ấm áp và giải thích rằng cổng chào được gọi là Menowa. Mọi người dùng tre uốn lại, sau đó bện rơm xung quanh. Thời xa xưa, hầu hết người dân Nhật Bản làm nghề nông nên việc dựng cổng chào bằng rơm là để gửi đến thần linh lời cầu nguyện mùa màng bội thu.

Ánh lửa đuốc bập bùng ấm áp, chiếc cổng chào bện bằng những sợi rơm mới gặt còn mang chút xanh nhạt như hòa vào nhau tạo nên một không gian gần gũi và truyền thống.

Gửi omikuzi lại đền với tâm niệm sẽ ghi nhớ lời dạy của các đấng thần linh trong năm mới.

Cụ ông còn nói với tôi: "12 giờ, khi tiếng chuông vang lên, mọi người sẽ vào đền đón năm mới và cùng thưởng thức Amasake". Đúng 12 giờ đêm, tiếng chuông năm mới vang lên 108 lần để xua đi 108 ham muốn trần tục khiến con người phải khổ sở. Âm thanh sâu và trầm của tiếng chuông Yoyakane vang vang trong bầu không khí đêm khô và lạnh, như báo với thần linh, với tổ tiên một năm cũ đã kết thúc và chào mừng năm mới. Người xếp hàng đầu tiên cúi chào và bước vào cổng đền. Thế nhưng, thay vì bước thẳng vào đền, họ đi vòng quanh cột bên trái của cổng chào sau đó đi theo hình số tám vòng sang cột bên phải. Sau khi đi hai lần như vậy, họ mới tiến vào trong đền. Trong lúc chờ đến lượt mình đi vòng quanh cổng đền, tôi lại hỏi cụ ông và được giải thích rằng việc đi vòng quanh trụ trái và trụ phải của cổng đền là để các vị thần trên cao gột rửa những vết bẩn trong tâm hồn mà con người vô tình mắc phải. Nghi lễ này diễn ra theo định kỳ một năm hai lần, một lần vào tháng 6 và lần thứ hai vào tháng 12. Tuy nhiên, có nhiều ngôi đền, nghi lễ thanh tẩy được thay thế bằng việc ghé vào một gian nhà gọi là Temizuya lấy gáo gỗ múc nước từ bể chứa tại đó, rửa mặt và tay để tẩy uế. Bước qua Torii và Menowa, tức là tôi đã được hoàn toàn thanh sạch để hòa nhập vào thế giới thiêng liêng của các vị thần Nhật Bản.

Amazake - Ngọt ngào và ấm cúng

Sau khi thực hiện xong các nghi lễ trên, tôi theo dòng người bước vào đền. Khi dừng chân ở bậc thang cuối cùng dẫn lên điện chính, tôi được một người giữ đền mặc lễ phục xanh, đội mũ đen, ban phép bằng một cành cây tươi. Theo nghi lễ Thần Đạo, tôi tung đồng xu vào vào thùng gỗ Osaisen baiko phía trước, rung sợi dây có gắn lục lạc, cúi đầu hai lần, vỗ tay hai lần, và sau đó cúi đầu một lần nữa để cầu nguyện. Khi bước xuống các bậc tam cấp của chính điện tôi cũng hòa theo dòng người đi trước, bước vào nơi rút quẻ đầu năm, người Nhật gọi là Omikuji. Nếu gặp được quẻ tốt, người Nhật Bản sẽ mang theo mình suốt cả năm nhưng ngược lại nếu rút phải quẻ xấu, họ sẽ treo lên những cành cây trong đền để nhờ các vị thần hóa giải những điều không tốt của năm mới và tâm niệm những lời dạy của các vị thần. Ngày nay, để đem lại cho mọi người cảm xúc vui vẻ đầu năm, các quẻ xấu hầu như không xuất hiện mà hầu hết là những lời khuyên được trích từ những lời dạy của người xưa và dự đoán về những điều vui vẻ trong năm mới. Hầu hết đều được buộc lên giá do những người giữ đền dựng lên cho dịp này. Tôi cũng tham gia rút một quẻ thăm nhưng thú thật văn phong cổ của Nhật Bản đối với tôi là một thử thách lớn. Sau khi cám ơn những lời dạy của các vị thần được ghi trong quẻ mà tôi chỉ hiểu láng máng, tôi cũng buộc tờ giấy của mình trên giá như mọi người.

Tôi nghe giọng nói ấm áp của những người giữ đền mời thưởng thức ly Amazake mà họ đã chuẩn bị cho những vị khách đầu tiên của năm mới. Amazake có nghĩa là rượu ngọt, là một loại đồ uống cổ truyền được làm từ gạo lên men và có độ cồn rất thấp. Đây là một loại đồ uống không thể thiếu trong những ngày đông giá rét của Nhật Bản. Cầm trong tay ly Amazake nóng hổi, tôi thực sự đang tận hưởng hương vị ngọt ngào, ấm áp của đêm giao thừa.

Sau một Giáng sinh theo kiểu phương Tây rộn ràng, tưng bừng khắp phố, người Nhật Bản đón năm mới trong sự yên bình và hướng nội như sự trở về với truyền thống. Đó chính là tính cách của dân tộc Nhật Bản, cởi mở và hòa nhập với nhịp sống sôi động, ồn ào đầy chất công nghiệp của phương Tây nhưng bên trong là một tinh thần hướng nội, sự tự vấn, tự suy nghĩ thậm chí là tự dằn vặt. Đó là một sự tĩnh tại và là một tâm hồn của văn hóa truyền thống.

Nụ cười thân thiện của người giữ đền và những vị khách đón năm mới, không khí ấm áp của những ngọn lửa sáng rực, mùi hương trầm, những cọng rơm thơm và ly rượu Amazake ấm nồng,... tất cả đã tạo nên một không khí giao thừa đặc sắc của Nhật Bản. Sự bình yên, ngọt ngào và ấm áp.

Ở nhật bản, đúng 12 giờ đêm giao thừa, tiếng chuông năm mới sẽ vang lên 108 lần để xua đi 108 ham muốn trần tục khiến con người phải khổ sở.



Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Nhật Bản)
Người Việt đón Giao thừa tại Chùa Phổ Đà, Berlin
Người Việt đón Giao thừa tại Chùa Phổ Đà, Berlin

Hoà chung thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và đón chào năm mới, chiều tối 7/2, hàng trăm bà con Phật tử, trong đó có nhiều bạn bè quốc tế, đã tới ngôi Chùa Phổ Đà ở Berlin để đón chào Xuân Di Lặc - Bính Thân 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN