Trong tâm thức của mỗi người dân Việt, Tết Nguyên đán là dịp đoàn viên với những kỷ niệm sâu sắc cùng gia đình. Thời khắc giao thừa, các thành viên trong gia đình cùng bên nhau đón đợi giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Đối với những người sinh ra và lớn lên ở làng cổ Phúc Lễ, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang), kỷ niệm về thời khắc Giao thừa thiêng liêng lại được gợi về từ tiếng gọi gạo “Gạo ởi gạo ơi - Chấm xôi với muối”.
Một cảnh trong lễ gọi gạo. |
Không ai biết lễ gọi gạo ở Phúc Lễ có từ bao giờ, do nhiều biến cố, lễ gọi gạo cũng bị mai một. Đến những năm 70, 80 của thế kỷ 20, tục gọi gạo lại được người dân Phúc Lễ phục dựng và duy trì. Các cụ cao niên trong làng kể rằng, trước đây người dân Phúc Lễ rất nghèo, lại hay bị kẻ gian dòm ngó, vì vậy cứ vào đêm 30 Tết dân làng lại tổ chức gọi gạo để bảo vệ trật tự trị an, cầu mong mọi người trong thôn đoàn kết, đùm bọc nhau, mong một cái Tết ấm cúng, an lành và một năm mới nhiều may mắn.
Ông Vi Văn Lâm, Bí thư Chi bộ thôn Phúc Lễ cho biết: Trước đây câu gọi gạo là “Gạo ơi gạo ởi gạo ời - Nắm hương, dúm muối nấu xôi gạo à”. Giờ đây, câu nói ấy được tinh giản gọn hơn thành “Gạo ởi gạo ơi - Chấm xôi với muối” nhưng vẫn giữ nguyên giá trị nhân văn sâu sắc của tục lệ này.
Tục gọi gạo ở Phúc Lễ diễn ra trọn vẹn phải đầy đủ các thành phần nhưng tập trung chủ yếu là thanh niên trai tráng và thiếu niên, ngoài ra còn có các đoàn thể khác trong thôn như hội người cao tuổi, hội phụ nữ, hội nông dân... Trước đây và bây giờ vẫn vậy, tục lệ này được giao cho đoàn thanh niên trong thôn chủ trì. Để chuẩn bị cho lễ gọi gạo, thanh niên trong thôn chuẩn bị một vài cái thúng, bên trong có cắm một nén hương, vài ba cây đuốc. Thanh niên có thể mặc áo nâu quần vải hay mặc trang phục của làng. Khi mọi thứ chuẩn bị xong, khoảng 19 giờ, hoặc 20 giờ đêm Giao thừa, lễ gọi gạo hay còn gọi là kêu gạo bắt đầu.
Ngay từ chập tối, mọi người đã tập trung tại nhà văn hóa thôn để tham gia lễ gọi gạo. Do thôn Phúc Lễ là một làng cổ, đông dân cư, có diện tích rộng nên tới giờ gọi gạo, thanh, thiếu niên chia thành từng đoàn đi tới các chòm xóm trong thôn để đảm bảo gia đình nào cũng được đoàn đi tới và kêu gạo. Thành phần đi cùng không thể thiếu là ông cai đám, người này sẽ giữ vai trò cúng tại đình làng khi gạo được kêu xong đem về lễ ở đình. Đoàn đi tới cổng nhà ai thì đều kêu lên hai câu lớn “Gạo ởi gạo ơi - Chấm xôi với muối”. Người trong gia đình nghe tiếng vậy đều mang một nắm gạo bỏ vào chiếc thúng, ai cũng rạng rỡ và bày tỏ thái độ vui vẻ. Đoàn gọi gạo cứ đi cho tới gia đình cuối cùng thì gánh gạo về đình để cai đám làm lễ. Tại đình thờ thành hoàng làng, ông cai đám sẽ thực hiện nghi lễ cúng, nội dung lời cúng là cầu mong cho người dân Phúc Lễ năm mới được an lành, mạnh khỏe, điều tốt đẹp thì tới, không gặp điều dữ, cầu cho mùa màng cây lúa tốt tươi, chăn nuôi gặp thời.
Sau khi thực hiện nghi lễ cúng gạo ở đình làng, đoàn gọi gạo tiếp tục gánh gạo về nhà văn hóa để nấu phần gạo này thành xôi, khi nấu không cho gia vị, chỉ là xôi trắng. Công việc nấu xôi sẽ do những người phụ nữ của làng đảm nhiệm. Khi nấu xong, xôi sẽ lại để vào thúng và gánh ra am (nơi thờ một người phụ nữ, thời Bắc thuộc bị chôn sống tại vị trí này) để thực hiện nghi lễ cúng tiếp theo.
Người cúng ở am được dân làng lựa chọn rất khắt khe, phải là người hiểu rõ về tục gọi gạo, hiểu về di tích lịch sử và biết bài cúng ở am. Nội dung bài cúng vẫn là trình bày tục lệ của làng và cầu mong những điều an lành sẽ tới với dân làng trong năm mới. Nghi lễ ở am kết thúc là lúc người dân trong làng quây quần bên bếp lửa cùng thưởng thức xôi chấm muối và kể cho nhau nghe những câu chuyện năm cũ, mong ước trong năm mới. Sau đó, mọi người về nhà nấy đón ngày mùng một Tết ở gia đình. Phần xôi sẽ được chia đều cho mọi người, đặc biệt những đứa trẻ sau khi ăn đều được đem về một nắm lấy phần cho người ở nhà. Việc làm này có ý nghĩa rằng gia đình nào, dù nghèo cũng vẫn được ăn Tết. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc của tục gọi gạo - một nghi lễ đẹp tôn vinh giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt.
Lễ gọi gạo ở Phúc Lễ khiến không khí ngày Tết của làng thêm vui tươi, đầm ấm, góp phần gìn giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc.
Đồng Thúy