Trong những ngày qua, trang Sohu News và Beijing News đã chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười của anh chàng độc thân sống tại tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Đoạn video đã lan truyền rộng rãi và gây ra cuộc tranh luận sôi nổi về áp lực kết hôn ở đất nước đang chứng kiến tỷ lệ sinh giảm đáng báo động.
Trong đoạn video thu hút 4 triệu lượt xem, chàng trai họ Wang nói anh chưa từng đưa bạn gái về ra mắt vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Điều này khiến mẹ Wang cho rằng tâm lý của con trai có gì đó không ổn. “Chẩn đoán” kỳ quặc này đã khiến anh phải thực hiện yêu cầu kỳ lạ của mẹ: đó là cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, mẹ Wang lại đưa anh đến gặp bác sĩ tâm thần.
Hôm 4/2 vừa qua, Wang một lần nữa được mẹ đưa đến Bệnh viện tâm thần tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, lần này, bác sĩ nói với người mẹ rằng con trai bà không bị bệnh, người bị bệnh chính là bà vì bà đã mắc chứng rối loạn tâm thần “ép con trai lấy vợ”.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Beijing News, Wang chia sẻ anh đã làm việc ở Bắc Kinh hơn 10 năm. Trước đây, anh từng làm diễn viên và hiện đang là một huấn luyện viên quần vợt.
“Không phải tôi không muốn lập gia đình. Chỉ là tôi rất bận rộn và chưa gặp được đúng người. Mẹ tôi không thể ngủ vì tôi chưa kết hôn. Vì vậy, tôi cảm thấy khá buồn”, Wang nói và cho biết anh chấp nhận đến bệnh viện cùng mẹ để giúp mẹ yên tâm.
Wang cũng cho biết ở quê hương anh, những người ngoài 30 tuổi chưa kết hôn như Wang thường bị gọi là “ông già độc thân”.
Ngoài ra, chàng trai 38 tuổi nói rằng anh chưa tiết kiệm đủ tiền để mua trả trước một ngôi nhà ở Bắc Kinh. Anh lo lắng: “Như vậy, ai sẽ muốn cưới tôi?”.
Đoạn video quay cảnh Wang được mẹ dẫn đi khám bệnh do Sohu News đăng tải đã thu hút hơn 2.000 bình luận. Hầu hết người dùng mạng cũng chia sẻ nỗi khổ tâm khi liên tục bị người lớn trong gia đình giục kết hôn.
Trong dịp Tết Nguyên đán, khi những người trẻ sống ở các thành phố lớn trở về quê ăn Tết, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong việc kết hôn ngày càng gay gắt. Trong khi thế hệ lớn tuổi hơn muốn con cái kết hôn và sinh con sớm hơn thì thế hệ trẻ lại có xu hướng kết hôn muộn hơn hoặc trì hoãnhôn nhân vì nhiều lý do.
Vấn đề này thường bắt nguồn từ áp lực cuộc sống hàng ngày và thiếu trợ cấp xã hội. Ngoài ra, ở nhiều vùng kém phát triển, tập tục thách cưới - nhà trai phải trả một khoản tiền lớn cho nhà gái để được phép kết hôn - vẫn còn tồn tại, khiến nhiều người không muốn kết hôn.
Một người dùng mạng xã hội bày tỏ quan điểm: “Những người kết hôn tùy tiện mới có vấn đề về tâm thần”.
“Tại sao chúng ta bị gia đình đối xử như những kẻ tội đồ chỉ vì không kết hôn?”, người khác cho biết.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), dân số nước này là 1,411 tỷ người vào năm 2022, giảm 850.000 người so với năm trước. Đồng thời, tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục 6,77 ca sinh trên 1.000 người. Khoảng 9,56 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm 2022, trong khi năm trước đó là 10,62 triệu trẻ. Các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo ngại về tác động mà cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng gia tăng có thể gây ra đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc đã công bố hàng loạt biện pháp khuyến khích các gia đình sinh thêm con trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại quốc gia này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Năm 2015, Trung Quốc quyết định loại bỏ chính sách một con đã tồn tại trong nhiều thập niên giữa bối cảnh lo ngại dân số già đi nhanh chóng và lực lượng lao động bị thu hẹp có thể đe dọa sự ổn định kinh tế và xã hội. Trung Quốc đã nới lỏng chính sách dân số cho phép mỗi cặp vợ chồng được phép sinh con thứ 3.
Chính quyền địa phương cũng đang dỡ bỏ các hạn chế trong việc đăng ký khai sinh cho những đứa trẻ được sinh ra bởi cha mẹ chưa kết hôn. Vào tháng 2, tỉnh Tứ Xuyên thông báo sẽ cho phép cha mẹ đơn thân đăng ký khai sinh cho con cái của họ, một động thái tạo điều kiện để cha mẹ đơn thân tiếp cận các lợi ích trước đây vốn chỉ dành cho các cặp vợ chồng. Những lợi ích này bao gồm bảo hiểm thai sản chi trả cho chăm sóc sức khỏe trước khi sinh, chi phí y tế liên quan đến sinh nở và nghỉ thai sản có lương.