Lo ngại buôn lậu giá trị cao tăng lên khi thủ tục thông quan hàng hoá giảm

Từ khi triển khai hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, việc thông quan hàng hóa tự động theo phương pháp quản lý rủi ro tuy giúp tạo ra sự thông thoáng về thủ tục xuất nhập khẩu nhưng một số doanh nghiệp đã lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại.

Báo cáo với đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia do Chánh VPTT Đàm Thanh Thế, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh Phạm Quốc Hùng cho biết:  Các đối tượng buôn lậu đã sử dụng nhiều thủ đoạn mới, nguy cơ rủi ro cao trên nhiều lĩnh vực như: Ma túy; sở hữu trí tuệ- hàng giả; khai báo trị giá tính thuế, thuế suất và chuyển giá; tạm nhập - tái xuất, hoàn thuế...

Đại diện lãnh đạo Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: K. Dung

“Tại địa bàn sân bay Tân Sơn Nhất và chuyển phát nhanh hiện nay, buôn lậu ma túy đang có chiều hướng tăng cao, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại thông qua hình thức đầu tư, gia công cũng đang diễn biến phức tạp”, ông Hùng nói.

Đại diện Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh cho hay: Hiện, các đối tượng đã chuyển qua tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép theo các phương thức nhỏ lẻ, thủ đoạn tinh vi hơn, tại các địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm thuộc cảng biển, cảng hàng không quốc tế, vẫn đang diễn ra tình trạng các đối tượng lợi dụng cơ chế chính sách thông quan qua việc phân luồng tự động để buôn lậu hàng hoá có giá trị cao, xuất nhập khẩu hàng cấm, hàng có điều kiện; tạo ra sự dịch chuyển hàng hóa về các địa bàn lân cận - là những nơi chưa có điều kiện máy móc, trang thiết bị chưa đầy đủ, lạc hậu việc quản lý còn lỏng lẻo

Theo ông Hùng, với chương trình thông quan điện tử hiện nay, doanh nghiệp có thể biết trước thông tin phân luồng cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của mình. Đối với hàng xuất khẩu khi doanh nghiệp nhận được thông tin phân luồng (miễn kiểm tra thực tế hàng hoá) có thể đưa những container hàng hoá không đúng với khai báo để xuất khẩu.

Đối với các lô hàng nhập khẩu doanh nghiệp cố tình khai báo sai, trường hợp đựơc miễn kiểm tra thực tế hàng hoá (doanh nghiệp thực hiện trót lọt); trường hợp phải kiểm tra thực tế (luồng đỏ) hoặc có sự phối hợp công tác của các lực lượng chức năng (như công an, quản lý thị trường, các lực lượng chống buôn lậu khác…), doanh nghiệp đối phó bằng cách xin sửa chữa, khai bổ sung cho phù hợp với bộ chứng từ thật hay xin hủy tờ khai sau đó khai lại tờ khai khác…

Lợi dụng cơ chế thông thoáng về chính sách hàng quá cảnh, hàng tạm nhập – tái xuất: Doanh nghiệp chỉ khai báo tên hàng đại diện khi làm thủ tục hải quan, không khai những mặt hàng khác có trong lô hàng (trong đó có thể có hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng có thuế suất cao), ban đầu khai tên người nhận hàng tại Việt Nam, tuy nhiên, khi bị các cơ quan chức năng phát hiện có nghi vấn hoặc phối hợp kiểm tra thì doanh nghiệp điều chỉnh manifest với tên hàng, người nhận hàng là phía Campuchia và làm thủ tục hải quan theo loại hình hàng quá cảnh. Trong quá trình vận chuyển lô hàng quá cảnh, doanh nghiệp có thể rút hàng ra tiêu thụ tại Việt Nam, hoặc thẩm lậu ngược về Việt Nam qua đường mòn biên giới, vừa qua đã có trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.

Tính từ đầu năm 2017 đến ngày 31/8, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh đã bắt giữ và lập biên bản 1.082 vụ vi phạm, tiền phạt và tịch thu: 22.989 triệu đồng; (trong đó có 16 vụ buôn lậu vận chuyển trái phép, 108 vụ gian lận thương mại, 1 vụ ma tuý-chất gây nghiện, 5 vụ vũ khí- công cụ hỗ trợ, 909 vụ vi phạm thủ tục hải quan, 43 vụ vi phạm khác, trị giá hàng vi phạm ước tính: 109.396 triệu đồng).

Minh Phương/Báo Tin Tức
“Thời gian vàng” để đối tượng buôn lậu vận chuyển lượng lớn thuốc lá
“Thời gian vàng” để đối tượng buôn lậu vận chuyển lượng lớn thuốc lá

Do Bộ Luật hình sự có hiệu lực từ 1/1/2018 nên giai đoạn này đang được coi là “thời gian vàng” để các đối tượng buôn lậu vận chuyển thuốc lá nhập lập với số lượng lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN