Chính vì thế, lực lượng chức năng đã chủ động đấu tranh, ngăn chặn, kịp thời xử lý hàng nhập lậu để bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Điển hình như: ngày 4/1, tại khu vực xã Xuân Canh (Đông Anh, Hà Nội), Công an xã Xuân Canh, Công an huyện Đông Anh phát hiện anh N.V.T (sinh năm 1983, hộ khẩu thường trú tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đang vận chuyển, bốc dỡ một số thùng hàng từ xe ô tô có biểu hiện nghi vấn.
Hàng hóa đang bốc dỡ phát ra mùi tanh hôi. Tại thời điểm kiểm tra, anh N.V.T không xuất trình các hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Qua đấu tranh khai thác, anh N.V.T khai nhận: các thùng hàng (thùng xốp) chứa nội tạng động vật (tràng lợn), được thu mua, gom từ nhiều nguồn để mang bán kiếm lời, các thực phẩm này đều không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Mở rộng điều tra và tiến hành kiểm tra trong kho, Công an huyện Đông Anh tiếp tục phát hiện số lượng lớn nội tạng động vật đóng trong các thùng hộp carton màu xanh có chữ nước ngoài; thực phẩm đều đang ngả màu bốc bùi, toàn bộ đều không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Qua điểm đếm, lực lượng chức năng xác định tổng khối lượng hàng hóa cả trên xe và trong kho là 1.246 kg.
Ngay sau đó, Công an xã Xuân Canh, Công an huyện Đông Anh đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với anh N.V.T về hành vi: “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm” vi phạm Điều 17, Nghị định 98/2020 ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tạm giữ 1.246 kg nội tạng động vật (tràng lợn) để xác minh xử lý theo quy định pháp luật.
Tương tự, ngày 2/1, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Cầu Giấy phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra xe ô tô đang dừng đỗ tại trước cổng chợ Cầu Giấy do ông V.T.C (sinh năm 1974, hộ khẩu thường trú tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) điều khiển và là chủ của số hàng hoá đang vận chuyển có biểu hiện nghi vấn.
Qua kiểm tra xe ô tô, lực lượng chức năng phát hiện 1,1 tấn mỡ lợn. Tại thời điểm kiểm tra, chủ số hàng không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá. Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Cầu Giấy tiếp tục phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với V.T.C về hành vi kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ theo đúng quy định pháp luật.
Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đỗ Hồng Trung cho rằng, lực lượng công an là một trong những chủ công nòng cốt trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ông Đỗ Hồng Trung cũng đề nghị các lực lượng chức năng như hải quan, công an, quản lý thị trường trên địa bàn thành phố Hà Nội cần tăng cường phối hợp để tổ chức đấu tranh có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong nội địa.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; xây dựng và ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, năm 2023, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 28.888 vụ (tăng 1,01% so với cùng kỳ), xử lý hành chính 26.535 vụ vi phạm; trong đó, phát hiện, bắt giữ 3.229 vụ vi phạm về buôn lậu, 1.579 vụ vi phạm về hàng giả, 21.727 vụ vi phạm về gian lận thương mại. Khởi tố 163 vụ (tăng 25,38% so với cùng kỳ) đối với 192 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 4.307 tỷ 744 triệu đồng (tăng 15,78% so với cùng kỳ).