Thưa ông, năm 2020 được đánh giá là năm thành công của lực lượng QLTT khi “đánh” được vào nhiều tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường internet. Việc xử lý vấn nạn hàng giả hàng nhái trên thương mại điện tử đã gặp phải những khó khăn gì?
Tốc độ phát triển thương mại điện tử đang phát triển nhanh, tuy nhiên, thương mại điện tử càng phát triển thì các hành vi gian lận thương mại trên mạng càng phổ biến. Các giao dịch hàng hóa không chỉ trên nền tảng các sàn thương mại điện tử thông thường, mà phát triển trên thiết bị di động và mạng xã hội...
Năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát, các hoạt động gian lận thương mại trên môi trường mạng càng phát triển mạnh. Do vậy, lực lượng QLTT đã đẩy mạnh công tác chống gian lận thương mại trên môi trường internet, thành lập bộ phận đặc nhiệm chuyên trách nhiệm vụ này.
Năm 2020, qua nắm bắt thông tin nghiệp vụ, QLTT đã tấn công, cũng như xử lý được một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường mạng như mô hình kinh doanh trên mạng xã hội, kênh bán hàng Livestream... Đơn cử, tháng 7/2020, QLTT đã phát hiện kho hàng giả lớn ở TP Lào Cai (Lào Cai), thay vì hàng hóa được nhập qua các cửa khẩu biên giới, chuyển về kho tại các khu đô thị lớn của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thì hiện nay, với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng hóa được chuyển về cất giấu ngay tại các tỉnh sát biên giới.
Thậm chí, các kho hàng có thể nằm bất kể ở đâu và đi kèm với các dịch vụ hậu cần chuyển phát, thanh toán hiện đại, giúp hàng hóa được luân chuyển, vận chuyển nhanh hơn trong nội địa. Điều này khiến, công tác chống gian lận thương mại, buôn lậu, đặc biệt hàng giả trên mạng càng khó khăn.
Ông có thể cho biết những cách thức tinh vi nào của các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng internet, thưa ông?
Trên các trang mạng, một số đối tượng buôn bán hàng giả thường sử dụng các hình ảnh có thể hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng, nhằm thu hút người tiêu dùng.
Các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, địa chỉ không có thật hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch, nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa, nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.
Đặc biệt, nhờ thành tựu khoa học công nghệ, việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và có thể nói “cửa khẩu nằm ở cửa nhà mỗi người dân”, nên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như lập nhiều tài khoản facebook, chạy quảng cáo sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, live stream, đăng các bài quảng cáo các sản phẩm...
Thưa ông, trong năm 2021, lực lượng QLTT sẽ có những giải pháp như thế nào để kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử?
Dự báo, tốc độ bùng nổ của thương mại điện tử sẽ tiếp tục duy trì các năm tới. Cho nên, QLTT phải có kế hoạch một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn về vấn đề này. Tổng cục QLTT đã kiến nghị, tham mưu các đơn vị trong Bộ Công thương chuẩn bị trình Chính phủ nghị định thay thế Nghị định 52 về thương mại điện tử. Bộ Công thương đã có dự thảo cuối cùng nghị định mới hoàn toàn về quản lý thương mại điện tử chuẩn bị trình Chính phủ.
Nghị định sẽ đặt ra cách thức quản lý mới. Do tốc độ phát triển thương mại tử phát triển nhanh trong những năm qua, phải coi và đối xử với môi trường thương mại trên mạng như là môi trường kinh doanh truyền thống. Dự thảo mới đã quy định bình đẳng giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống.
Bên cạnh đó, các mô hình thương mại điện tử cũng sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn. Sẽ có quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch thương mại tử, chứ không chỉ người bán hàng.
Ngoài ra, lực lượng QLTT xác định 2-3 năm tới là giai đoạn tập trung vào thương mại điện tử, trong đó, tỷ lệ gian lận thương mại sẽ chiếm khoảng 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Vì vậy, QLTT cũng đề xuất thành lập bộ phận chuyên trách chính thức về phòng chống hành vi gian lận thương mại điện tử; đổi mới trang thiết bị hiện đại, tiên tiến hơn phục vụ cho nhiệm vụ đặc biệt này.
Trân trọng cảm ơn ông!