Cùng với công nghệ phát triển, các thủ đoạn làm giả, làm nhái ngày càng tinh vi gây khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý. Do vậy, công cuộc "tiêu diệt" nạn hàng giả, hàng nhái là một cuộc chiến cam go, đòi hỏi nỗ lực của tất cả mọi thành phần xã hội.
Tràn ngập thị trường
Hiện nay, người tiêu dùng đang rất lúng túng trước thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng nhưng thật, giả lẫn lộn. Có thể thấy hàng giả xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, xã hội từ vật tư, máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng, điện máy, thời trang… Đặc biệt là hàng giả có liên quan đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, tình trạng hàng giả, hàng buôn lậu, không xuất xứ nguồn gốc vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa được đẩy lùi. Hàng nhập lậu chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc có giá rẻ, được vận chuyển qua đường bộ các tuyến biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nam Bộ rồi vận chuyển tiếp bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ vào thành phố tiêu thụ. Đặc biệt, ngoài hàng nhập lậu thì nổi cộm là hàng vi phạm về sở hữu công nghiệp vẫn tăng.
Theo khảo sát tại khu vực chợ Bình Tây và chợ An Đông, hai khu chợ sỉ lớn nhất nhì thành phố về hàng tiêu dùng và thời trang thì các sản phẩm từ đồng hồ, mắt kính, túi xách… giả các thương hiệu Nike, Chanel, Gucci, Omega, Rolex… vẫn bày bán công khai. Không chỉ trong khu vực chợ mà các khu vực có dân cư tập trung đông đúc, vỉa hè, lề đường cũng trở thành nơi trưng bày sản phẩm với đủ các thương hiệu.
Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn kinh doanh giày dép thời trang, tiểu thương sạp giày thời trang T.H (trong chợ An Đông) cho chúng tôi xem những đôi giày “made in China” và giới thiệu đây là những đôi giày thuộc loại cao cấp với đủ thương hiệu Adidas, Nike nhưng lại dán tem nhãn Việt Nam. Khi được thắc mắc tại sao lại dán nhãn Việt Nam trong khi đây là hàng Trung Quốc thì người bán phân trần: “Bộ muốn công an bắt hay sao mà dán nhãn hàng Trung Quốc?!”.
Nhìn những tem nhãn nhái rất dễ bong tróc, chúng tôi đề cập muốn làm tem y chang thương hiệu nổi tiếng thì người bán nhanh nhảu: “Ở đây tôi trực tiếp sản xuất tem nhãn các thương hiệu luôn, rất chắc chắn và không thể phân biệt được đâu là giả đâu là thật, mỗi nhãn trả thêm cho tôi 20.000 đồng”.
Tại một sạp chuyên túi xách các loại, chủ shop cũng giới thiệu những mẫu mã ở đây chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc và cả Việt Nam nhưng ẩn dưới các tên các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, The North Face… với giá chỉ từ 130.000 - 200.000 đồng/chiếc. Những mặt hàng này không chỉ hiện hữu ở đây mà còn được cung cấp đi khắp các tỉnh, thành trong nước với giá gấp đôi, gấp 3 và người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng thật, hàng nhái.
Nhiều thách thức
Trong 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 88.229 vụ việc vi phạm (giảm gần 2% so với cùng kỳ 2017), thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 7.427 tỷ đồng (giảm hơn 8% so với cùng kỳ), khởi tố 887 vụ (giảm 25% so với cùng kỳ 2017), 889 đối tượng (giảm hơn 30% so với cùng kỳ). Trong đó, xử lý hơn 5.000 các vụ vi phạm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2017.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 2.260 vụ vi phạm chủ yếu là buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm… quản lý thị trường đã xử phạt 2.211 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 63,6 tỷ đồng tiền phạt, tiền bán hàng hàng tịch thu và tiền thu lợi bất hợp pháp. Trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 40,8 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán hơn 30 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng còn diễn ra nhiều nơi. Đặc biệt ở các đô thị, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đáng chú ý nổi lên tình trạng sản xuất, tiêu thụ dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ ăn, nước uống giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… có chiều hướng gia tăng.
Một số ý kiến của cán bộ quản lý thị trường cho rằng, các đối tượng kinh doanh hàng nhái, hàng giả dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng. Hàng hóa được đặt mua từ các website nước ngoài. Sau đó, sẽ xách tay hoặc vận chuyển bằng đường hàng không, hàng hải, đường bộ…về Việt Nam. Khi kinh doanh đối tượng trà trộn với hàng nhập khẩu có đầy đủ chứng từ theo quy định. Vì vậy, quản lý thị trường rất khó phát hiện kiểm tra xử lý.
Riêng việc kiểm soát các trang mạng điện tử, phần lớn hiện nay quản lý thị trường chỉ mới xử lý các trường hợp thiết lập website thương mại điện tử, bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. quản lý thị trường chưa khai thác thông tin nguồn gốc hàng hóa, nơi cất giấu và chứa trữ, cũng như đầu mối cung cấp hàng hóa cho các đối tượng kinh doanh. Đây là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn có hiệu quả hoạt động này.
Chính vì vậy, hoạt động buôn bán hàng qua mạng internet cũng diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Đây là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn có hiệu quả hoạt động này.
Trước thực trạng hàng gian, hàng giả bủa vây người tiêu dùng, các giải pháp, chính sách của nhà nước cũng mới chỉ cắt ngọn vấn nạn, chưa đủ cách thức và sức nặng răn đe để loại trừ vấn nạn từ gốc rễ. Cần nhìn lại chính sách, công cụ quản lý còn những gì thiếu sót cần phải điều chỉnh và có những hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn hàng gian hàng giả.