Thưa ông, với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, đã có thực trạng người tiêu dùng nhận “quả đắng” khi mua hàng qua thương mại điện tử. Dường như vấn nạn bán hàng giả, hàng nhái cũng tăng theo quy mô phát triển của thương mại điện tử?
Thương mại điện tử, mạng xã hội đang tạo ra sức hút, cơ hội kinh doanh rất lớn cho doanh nghiệp. Với 65 triệu người sử dụng Internet, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam giai đoạn 2015-2025 được dự báo ở mức 43%. Chỉ tính riêng năm 2020, doanh thu TMĐT cũng được dự báo vượt ngưỡng 13 tỉ USD. Năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, kênh bán hàng online, giao dịch, mua bán qua sàn thương mại điện tử càng nở rộ đã tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp làm ăn uy tín.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển tích cực, thương mại điện tử cũng tồn tại một số yếu tố tiêu cực: tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp. Hiện nay tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web thương mại điện tử, đặc biệt các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Những đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách việc này. Họ tận dụng mọi thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ Internet để kinh doanh các mặt hàng vi phạm: sử dụng công nghệ bán hàng đa kênh, ngồi một nơi nhưng có thể quản lý bán hàng ở nhiều điểm khác nhau; sử dụng thành thạo các công cụ marketing trực tuyến; đầu tư mạnh vào các tiện ích của mạng xã hội để thu hút người mua hàng… Đồng thời cũng tận dụng công nghệ để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng Internet, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin.
Việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay; website thương mại điện tử, các trang đích dùng để bán hàng (landing page) có thể bị đóng trong tích tắc. Hầu hết các giao dịch hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý, lưu trữ và xử lý càng trở nên khó khăn.
Tổng cục Quản lý thị trường tin chắc rằng: hàng giả, hàng lậu sẽ còn tràn lan hơn nữa, mà một trong những nơi chủ yếu gây ra hệ lụy này chính là môi trường thương mại điện tử. Chính vì vậy, phải có sự thay đổi và chuẩn bị tốt của cơ quan quản lý nhà nước nhằm đối phó với vấn nạn trên.
Nhiều ý kiến cho rằng việc kinh doanh trên các website thương mại điện tử vẫn đang bị “thả nổi”, cơ quan chức năng chưa có được giải pháp triệt để giải quyết vấn đề này. Ý kiến của ông như thế nào và những khó khăn của lực lượng Quản lý thị trường khi kiểm soát hoạt động buôn bán trên mạng?
Thực tế kiểm tra kiểm soát trên thị trường chúng tôi gặp phải rất nhiều bất cập. Việc chủ động điều tra, phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.
Các trường hợp vi phạm rõ ràng chưa có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn, xử lý kịp thời mà vẫn phải thông qua nhiều quy trình phức tạp như xác minh chủ thể đăng ký, chủ sở hữu trang web, xác minh giao dịch với sàn thương mại điện tử, kiểm tra, lập biên bản vi phạm...
Cùng với đó, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.
Trên các trang web bán hàng hoặc qua mạng xã hội thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch. Khi có khách hỏi mua hàng thì sẽ hỏi địa chỉ để giao nhận hàng hóa, thanh toán tại nhà. Hoàn toàn người mua không biết người bán là ai, sản phẩm như thế nào. Các đối tượng khi có người lạ dò hỏi xem hàng thì thường không trả lời; ngoài ra vì là không gian, địa chỉ ảo trên mạng Internet nên dễ dàng gỡ bỏ thông tin nhằm xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm.
Hơn nữa, các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ, không có sẵn hàng hoặc cất giấu hàng ngay tại chỗ ở nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Hiện nay qua nhiều trường hợp phát hiện các đối tượng thường thuê các căn hộ chung cư vừa làm nhà ở, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Các khu vực này thường có an ninh, bảo mật cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận, trinh sát. Khi có sự phối hợp của chính quyền địa phương kiểm tra các điểm này thì các đối tượng thường có biểu hiện chống đối hoặc giải thích hàng hóa tập kết với nhu cầu sử dụng, tặng cho, không phải mục đích kinh doanh, không chấp nhận xử lý.
Việc tham gia của các doanh nghiệp có thương hiệu được bảo hộ hoặc chủ thể quyền còn hạn chế, đặc biệt là đối với các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài (chẳng hạn như nhiều loại hàng hóa nước ngoài không phân phối chính hãng, không có văn phòng đại diện tại Việt Nam).
Các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Một số đối tượng lập các website thương mại điện tử, mạng xã hội với nội dung thông tin y hệt các website, địa chỉ của các cơ sở có uy tín khác khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn (chỉ khác về cách thức thanh toán, liên hệ giao dịch).
Những trang mạng này còn sử dụng trái phép hình ảnh của nghệ sỹ, người nổi tiếng để quảng bá các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... do mình tự sản xuất, gia công rồi sử dụng các mạng xã hội (Facebook, Zalo…), chào bán qua các website thương mại điện tử nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước nên chỉ khi lực lượng Quản lý thị trường xác minh, kiểm tra theo phản ánh của báo chí, truyền thông hoặc của người tiêu dùng, qua các trang mạng xã hội mới bị phát hiện và xử lý.
Cơ quan chức năng sẽ có giải pháp ngăn chặn hiệu quả hơn để ngăn nạn mua bán hàng giả trên các website thương mại điện tử?
Hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thương mại điện tử đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân dần được nâng cao. Trên cơ sở Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Tổng cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra và xử lý nhiều vụ việc vi phạm hành chính trong TMĐT, nhiều trường hợp liên quan tới hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet.
Trong thời gian tới, Tổng cục QLTT tiếp tục chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý trên môi trường mạng như bán hàng online, các tài khoản livetream bán hàng….nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với sự đổi mới liên tục của công nghệ, hoạt động TMĐT cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng nhất. Theo đó, các hành vi vi phạm về TMĐT ngày càng diễn ra tinh vi; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức, và một số mô hình hoạt động TMĐT mới đã và đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước…
Trên thực tế, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã được xây dựng khá chi tiết và đáp ứng tốt yêu cầu của công tác quản lý, nhưng thị trường TMĐT phát triển nhanh và liên tục, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh.
Hiện tại, Cục TMĐT và Kinh tế số đang chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/ 2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử. Đặc biệt các nội dung liên quan tới: Điều kiện thiết lập các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh; Minh bạch hóa thông tin sản phẩm đặt biệt là quy định về ghi nhãn hàng hóa hiện hành, kể cả nhãn phụ, nhãn gốc, các thông tin cụ thể cần phải đăng tải khi bán hàng, thông tin về người bán…
Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong quản lý hoạt động TMĐT trên sàn; quy định cụ thể về hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và trách nhiệm tương ứng của đơn vị quản lý mạng xã hội.
Đồng thời, dự thảo cũng sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác gồm: Hợp nhất quy định tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động TMĐT trên ứng dụng di động; quy định về vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc quản lý hoạt động TMĐT; bổ sung trách nhiệm của chủ thương hiệu đối với hàng hóa, dịch vụ giao dịch trên các kênh TMĐT.
Một điểm đáng lưu ý là hiện nay là các đối tượng buôn lậu, bán hàng giả đang lợi dụng và khai thác triệt để việc vận chuyển hàng thông qua các công ty bưu chính, chuyển phát để đưa hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng. Trong thời gian qua, lực lượng QLTT đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để tiến hành kiểm tra, tạm giữ rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu được vận chuyển qua kênh này. Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị cần có sửa đổi gấp các quy định pháp luật có liên quan để phòng, chống việc lợi dụng kênh chuyển phát để bán hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử.
Ngày 28/2/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TCQLTT về việc thành lập Tổ công tác về TMĐT (Tổ công tác 368). Thành viên của Tổ 368 gồm đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và một số Cục Quản lý thị trường tại địa phương. Việc thành lập Tổ công tác chuyên trách về TMĐT hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá mới trong cuộc đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT.
Mới đây, Nghị định 98 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được ban hành đã có nhiều nội dung mới được bổ sung nhất là trong lĩnh vực quản lý thương mại điện tử. Mức phạt cho các hành vi gian lận, kinh doanh hàng giả, hàng cấm nâng cao nhiều lần, cao nhất là 50 triệu đồng. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Thương mại điện tử, Bộ Công Thương, nếu các gian hàng không hợp tác, không có biện pháp xử lý ngăn chặn nếu đã được thông báo về các gian lận, hàng giả, hàng cấm và vi phạm bản quyền sẽ bị xử phạt tới 40 triệu đồng. Thậm chí, với các trường hợp tái phạm nhiều lần, không phối hợp với các cơ quan quản lý có thể sẽ bị thu hồi giấy phép, dừng tên miền.