Nhiều bất cập đối với Nghị định 34
Đề cập đến những bất cập đối với Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, theo đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An), việc sáp nhập xã, thôn trong giai đoạn vừa qua đã làm giảm số lượng lớn các thôn, xóm. Tuy nhiên, việc tăng quy mô dân số, diện tích tự nhiên trong khi số lượng cán bộ giảm làm tăng khối lượng công việc cũng như làm tăng áp lực cho cán bộ không chuyên trách ở xã và thôn, nhưng chế độ phụ cấp thì vẫn thực hiện như trước khi sáp nhập.
Việc quyết định mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại không thể tăng mức phụ cấp này do Nghị định 34 của Chính phủ đã quy định cụ thể mức khoán quỹ phụ cấp cho từng loại xã và thôn.
“Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An, tại công văn số 6538 ngày 20/12/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ghi nhận bất cập này để nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét. Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 34 và trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 34, Bộ trưởng có đề xuất giải pháp gì có thể tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn?, đại biểu nêu câu hỏi.
Cùng đề cập đến Nghị định 34 nhưng với cách tiếp cận khác, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) nêu câu hỏi: “Khi thực hiện chính quyền đô thị tại 3 thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, công chức phường thuộc biên chế của UBND quận được xác định như công chức từ cấp quận trở lên. Tuy nhiên, cán bộ chuyên trách khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thì vẫn thực hiện theo Nghị định 34. Điều này không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tác động đến tâm tư của đội ngũ cán bộ chuyên trách ở phường. Bộ trưởng có giải pháp như thế nào về vấn đề này?”.
Cũng liên quan Nghị định 34, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu câu hỏi: Nếu xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 34/ 2019/NĐ-CP, Bộ có lấy ý kiến từ cấp cơ sở tại thôn, xã hay không? Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng nêu rõ thời gian Nghị định mới ra đời để cán bộ cấp xã yên tâm công tác.
Trả lời về những nội dung này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Hiện nay, có hai chế độ công vụ, một chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên, một chế độ công vụ ở cấp xã. Tuy nhiên, các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã không có sự thay đổi lớn so với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, chỉ khác nhau về ngạch, có nghĩa là đối với công chức cấp huyện trở lên thì được phân theo ngạch còn đối với cán bộ, công chức cấp xã thì không tính theo ngạch mà trả lương theo trình độ đào tạo. Đối với đội ngũ không chuyên trách, thời gian qua, khi thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", bộ máy đã được cơ cấu lại theo hướng gọn hơn.
Bộ trưởng nêu ví dụ: “Về phân loại hành chính khu vực 1 là 23 người, loại 2 là 21 người, loại 3 là 19 người, giảm 2 người so với Nghị định 92 về “chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” khi chưa sửa đổi.
Theo đó, số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã giảm đi và cùng với số cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cộng lại, đã giảm gần 50% theo tinh thần Nghị quyết 18. Hiện nay, kinh phí hoạt động cho đội ngũ không chuyên trách ở cấp xã với 8 đến 9 chức danh và đội ngũ không chuyên trách ở thôn với 3 chức danh Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố và Trưởng ban công tác Mặt trận đang được khoán.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Thực chất, đến bây giờ chúng tôi cũng thấy có bất cập, thời gian qua, chúng tôi cũng nghiên cứu rất kỹ, đánh giá tác động một cách đầy đủ, toàn diện về Nghị định 34, cũng có những bất cập trong thực tiễn khi thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính tinh gọn lại, đặc biệt là nhiều nơi có quy mô dân số của một đơn vị hành chính cấp xã là rất lớn. Ví dụ, tại Thành phố Hồ Chí Minh có những phường, xã có tới 130 nghìn dân nhưng bên cạnh đó cũng có những nơi chỉ có khoảng 400 dân. Như vậy, dẫn đến một vấn đề rất bất cập, đối với những vùng đô thị, vùng có điều kiện phát triển và quy mô dân số lớn mà chúng ta phải ấn định số lượng theo mức như vậy là không hợp lý cho nên là phải sửa Nghị định 34. Hiện, chúng tôi cũng đã bắt đầu gửi lấy ý kiến lần một đối với 63 tỉnh, thành về việc sửa đổi Nghị định 34. Sau kỳ họp Quốc hội này chúng tôi về tiếp tục nghiên cứu, rà soát và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền để chúng ta xem xét làm sao cho phù hợp hơn”.
Theo Bộ trưởng, Nghị định 34 tới đây sẽ được sửa đổi theo hướng phân cấp cho các địa phương để căn cứ vào tổng số cán bộ, công chức của cấp xã cũng như là cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố, căn cứ vào nguồn ngân sách của địa phương để bố trí đảm bảo số lượng người làm việc. “Đây cũng là một vấn đề có thể gọi là rất nóng, bởi vì chúng tôi được tiếp thu quá nhiều kiến nghị của cử tri. Chúng tôi xin hứa với các đại biểu Quốc hội sẽ làm nhanh nhất có thể để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để việc sửa đổi Nghị định 34 này”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Khẩn trương triển khai công tác xác định vị trí việc làm
Việc triển khai công tác xác định vị trí việc làm cũng được các đại biểu quan tâm, nêu ý kiến. Theo đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi), việc triển khai xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian vừa qua chưa đồng bộ do thiếu các quy định hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo ngạch và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm. Đại biểu đặt câu hỏi: “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết trách nhiệm và bao giờ khắc phục được hạn chế này để cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27?” (Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp-PV).
Đối với chất vấn trên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ năm 2012, Luật Cán bộ, công chức và sau này là Luật Viên chức được ban hành, có nêu rất rõ về nội dung xác định vị trí việc làm. Theo đó, chế độ công chức đang vận hành từ chế độ công chức theo chức nghiệp tiến tới theo vị trí việc làm. Đây là một xu thế của rất nhiều nước trên thế giới, rất năng động, linh hoạt.
“Trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2019, chúng ta đã xác định được quy định về vị trí việc làm. Tuy nhiên, việc này chưa được chuẩn bị thật đầy đủ và căn cơ. Sau khi có Nghị quyết 18 bấy giờ chúng ta tập trung vào việc xác định vị trí việc làm, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 2 nghị định, đó là Nghị định 62 xác định vị trí việc làm đối với công chức và Nghị định 106 xác định vị trí việc làm đối với viên chức”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.
Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Trà, trong quá trình thực hiện theo yêu cầu chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, đã xác định được một khung chung. Theo đó, có 866 vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, 615 vị trí trong đơn vị sự nghiệp; ở cấp cơ sở hay nói cách khác là ở cấp xã có 17 vị trí. “Về việc này thì đúng là với góc độ trách nhiệm của ngành, chúng tôi cũng xin nhận khuyết điểm vì quá trình triển khai còn chậm”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Trưởng ngành Nội vụ, hiện các bộ, ngành cũng tập trung triển khai ban hành thông tư hướng dẫn trên cơ sở hai nghị định trên để tới đây, theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục cùng với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng hoàn thiện lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến xác định vị trí việc làm cũng như khung năng lực của vị trí việc làm, từ đó triển khai đồng bộ, toàn diện vấn đề quản lý biên chế theo vị trí việc làm.