Cũng tại phiên họp này, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về một số dự án luật, Pháp lệnh như: Dự án Luật Thủy lợi, dự án Pháp lệnh giống, cây trồng sửa đổi; Đề án Lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam.
Điểm đặc biệt tại Phiên họp lần này là thay vì thảo luận ngay về tình hình kinh tế - xã hội, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong buổi sáng làm việc đầu tiên của Phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành thời gian đánh giá chi tiết về kết quả công tác xây dựng thể chế. Đây cũng là lần đầu tiên, phiên họp thường kỳ của Chính phủ thảo luận về vấn đề hoàn thiện thể chế trước khi thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội. Điều này khẳng định ý thức đề cao nhiệm vụ xây dựng thể chế của Chính phủ nhằm hoàn thiện khung pháp luật tốt nhất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trong phát biểu đề dẫn Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại quan điểm đã được tập thể Chính phủ xác định từ Phiên họp tháng 4 đó là xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân để nhân dân có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, an toàn hơn; trong đó, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật. “Một câu hỏi lớn đặt ra là vì sao chúng ta vẫn chưa phát triển mạnh? Một nguyên nhân rất quan trọng là vấn đề cải cách hành chính, bộ máy, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta chưa tạo môi trường tốt cho sự phát triển, cái chính là pháp luật còn ràng buộc, tính minh bạch hạn chế, rồi vấn đề đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bộ máy cán bộ công chức…”, Thủ tướng đặt vấn đề. Từ nhận định đó, Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên họp này, cần đề cao vai trò của công tác xây dựng thể chế để kiểm điểm xem Chính phủ còn nợ gì về thể chế, hướng khắc phục ra sao, còn vướng mắc gì cần tháo gỡ, đặc biệt là trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Đồng thời thảo luận thông qua các dự án luật, pháp lệnh cụ thể”.
Báo cáo về vấn đề tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết “tình hình rất đáng lo ngại”. Tính đến ngày 31/5, theo thống kê, Chính phủ cần phải ban hành 51 văn bản hướng dẫn nhưng mới ban hành được 14 văn bản, còn 37 văn bản chưa được ban hành. Trong đó, 11 văn bản đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quy trình xử lý, số văn bản chưa trình là 26. Ngoài ra, còn 91 Thông tư và 13 Thông tư liên tịch chưa được ban hành. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề liên tịch thuộc thẩm quyền của nhiều bộ phải được ban hành trong Nghị định của Chính phủ, tức là tăng thêm 13 dự thảo Nghị định cần được xây dựng, ban hành. Về các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cần ban hành tổng cộng 49 Nghị định. Trong đó, tới ngày 31/5, đã trình Chính phủ 35 Nghị định, chưa trình 14 Nghị định, trong đó đã thẩm định 10 dự thảo Nghị định và chưa thẩm định 4 dự thảo. Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ các bộ còn “nợ” và số lượng văn bản nợ.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, 17 bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, về cơ bản đã xác định số lượng Nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các Thông tư. Một số bộ đã tích hợp nhiều Thông tư vào một Nghị định như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích hợp 38 Thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp 23 Thông tư, Bộ Công Thương tích hợp 23 Thông tư, Bộ Y tế tích hợp tới 70 Thông tư.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Đáng lưu ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn nhưng nhiều bộ còn lúng túng trong phân biệt các điều kiện kinh doanh và quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, nên chậm xác định rõ các điều kiện phải nâng cấp từ Thông tư lên Nghị định.
Bản báo cáo này được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm đúng với định hướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Đặc biệt, báo cáo đã đánh giá cụ thể, thẳng thắn kết quả việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế và công khai hóa danh sách nợ văn bản của từng bộ, ngành để từ đó, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các bộ, ngành trong vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ còn nợ đọng văn bản chưa trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, phải báo cáo giải trình nghiêm túc trước Chính phủ.
Kết luận về nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, từ Thủ tướng đến các Bộ trưởng, Vụ trưởng đều phải tập trung, làm tốt. Đây là nút thắt quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã tập trung chỉ đạo thực hiện; không để những thiếu sót từ thể chế kìm hãm sự phát triển. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian hơn nữa, coi trọng hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ này.
Mặc dù đánh giá, vừa qua các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn cho rằng, tình trạng nợ đọng văn bản luật còn lớn trong bối cảnh từ ngày 1/7 tới, một loạt Luật có hiệu lực. Cho rằng, nếu có Luật mà không có Nghị định hướng dẫn thi hành sẽ khó đưa được Luật vào cuộc sống, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, đây là vấn đề vấp phải nhiều lần, nhiều năm mà chưa khắc phục được. Mặc dù Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản, đến 31 Nghị định, 35 Thông tư trong thời gian ngắn vừa qua nhưng vẫn chưa giải quyết hết số văn bản nợ đọng. Tình hình này đòi hỏi cần phải được nhanh chóng giải quyết.