Việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng lần này được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, để công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ nhằm vào “phần nổi của tảng băng chìm”, mà phải được tiến hành sâu rộng và toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất như mong muốn, yêu cầu đặt ra.
Chấn chỉnh cả “sân sau” của khu vực công
Một phiên họp của Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 4. Và tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội cho ý kiến một lần nữa trước khi dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 6.
Các nội dung được đề cập trong dự thảo Luật đều là những vấn đề tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của nhân dân. Đây là dự án Luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội thể hiện sự tán thành với những quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước, bảo đảm tính toàn diện của công tác phòng, chống tham nhũng. Nhiều ý kiến nêu thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng khu vực nhà nước.
Thực tiễn cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư diễn ra nghiêm trọng, phức tạp và làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2010 - 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển thực hiện, cho thấy tham nhũng là một trong 5 yếu tố ảnh hưởng nhất đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Để được tiếp cận nhanh nguồn vốn tín dụng, một số doanh nghiệp đã trích phần trăm "lại quả" cho cán bộ tín dụng.
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa đánh giá "Tham nhũng trong khu vực tư không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư, mà còn ảnh hưởng đến khu vực công. Trong một số trường hợp, khu vực tư chính là nơi rửa tiền, “sân sau” của những hành vi tham nhũng trong khu vực công. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả nếu bỏ qua khu vực tư”.
Đại biểu cũng cho rằng tham nhũng trong khu vực tư ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, đến người tiêu dùng sản phẩm và làm do dự các nhà đầu tư nước ngoài, bởi các nhà đầu tư nước ngoài không thể dự đoán được trước những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong quá trình kinh doanh, gián tiếp làm chậm sự phát triển của nền kinh tế.
Ý kiến của nhiều đại biểu nêu quan điểm mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước là cần thiết, phù hợp xu thế quốc tế cũng như yêu cầu phòng, chống tham nhũng đặt ra trong tình hình hiện nay; đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, hối lộ, nhận hối lộ... đối với người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; đồng thời phù hợp với các công ước Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực này cũng nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2017 của Bộ Chính trị là “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”.
Truy cứu đối với tài sản không rõ nguồn gốc Quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý cũng là một trong những nội dung của dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đa số đại biểu nhất trí với phương án 1 và cũng là phương án Chính phủ lựa chọn: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (Điều 123 của dự thảo Luật).
Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý theo phương án này cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay, thể hiện thái độ mạnh mẽ của Nhà nước trong việc xử lý thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng, khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có đủ bằng chứng về căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Đây là khoản thu nhập không rõ nguồn gốc, chưa được kê khai và người có nghĩa vụ kê khai phát sinh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Theo đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức, việc quản lý toàn bộ thu nhập từ đầu vào của công chức nước ta là rất khó khăn. Cán bộ, công chức ngoài tiền lương còn có nhiều khoản thu nhập hợp pháp khác như thu từ thù lao giảng dạy, làm báo cáo viên kiêm nhiệm, tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia thị trường bất động sản, chứng khoán... đã giúp họ thu về những khoản lợi nhuận gấp nhiều lần tiền lương.
Vì nhiều lý do, họ có thể giấu không kê khai đầy đủ để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Việc giấu không kê khai này là sai, trái với quy định, tuy nhiên theo quan điểm luật học không thể quy kết đó là tài sản không hợp pháp. Mặc dù ai cũng có quyền nghi vấn về thu nhập, tài sản vượt trội của cá nhân đó, nhưng ở góc độ pháp luật, không thể nhìn nhận tài sản, thu nhập đó là bất hợp pháp.
Chừng nào chưa chứng minh được tài sản của họ có được là bất hợp pháp thì nguyên tắc vẫn phải suy đoán tài sản đó là hợp pháp. Kể cả trường hợp họ không giải trình được nguồn gốc tài sản cũng chưa thể thu hồi được bởi trách nhiệm chứng minh là của cơ quan có thẩm quyền, nhà nước pháp quyền không thể suy đoán có tội.
Ở một góc độ khác, đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng nêu thực tế có thể xảy ra trường hợp tài sản tăng thêm không phải do phạm tội mà có, như thừa kế, cho, tặng tài sản. Trường hợp này, người kê khai tài sản đã giải trình nguồn gốc tài sản hợp lý.
Tuy nhiên, cơ quan kiểm soát tài sản cũng có lý do không chấp nhận vì tài sản thiếu giấy tờ chứng minh. Khi đó, chấp nhận hay không lại có phần thuộc về chủ quan của cơ quan kiểm soát tài sản, nhưng cũng không chứng minh được tài sản do phạm tội mà có. Như vậy, nộp thuế thu nhập cá nhân như phương án 1 của dự thảo là phù hợp.
Theo đại biểu Mùa A Vảng, phòng, chống tham nhũng có nghiêm khắc đến đâu cũng khó xử lý triệt để tham nhũng nếu lòng tham không tự từ bỏ. Nhiều quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới, mặc dù hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn thiện, nhưng tham nhũng vẫn tồn tại và xếp hạng thấp về kết quả phòng chống tham nhũng, trong khi có những quốc gia không ban hành riêng Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng công tác phòng, chống tham nhũng lại đạt hiệu quả và được xếp hạng cao trên thế giới về kết quả phòng chống tham nhũng.
Nguyên nhân chủ yếu của sự thành công đó chính là sự công khai, minh bạch trong chính sách đầu tư, chi tiêu công, công tác cán bộ, sự giám sát của nhân dân và công tác giáo dục về phòng, chống tham nhũng khi còn đang trên ghế nhà trường.
Các quan điểm, ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi sẽ được Ủy ban Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sau. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng được kỳ vọng sẽ tạo một công cụ pháp lý cơ bản và quan trọng để đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Bài 3: Tăng cường kiểm tra, giám sát