Việt Nam - Trung Quốc trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội

Ngày 6/6, tại Hà Nội, Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Triết học và Viện Khổng Tử thuộc Trường Đại học Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp đối với thế giới”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, thế giới vẫn đang biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, rất nhiều vấn đề toàn cầu, vấn đề cốt yếu trong sự tiến bộ của nhân loại vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Vì thế, Việt Nam và Trung Quốc càng cần tỏ rõ các giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội, vai trò, sự đóng góp của các nước xã hội chủ nghĩa trên bản đồ thế giới, góp tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Để làm được điều đó, cả Việt Nam và Trung Quốc đều cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt. Góp sức vào công cuộc trọng đại này của mỗi nước, các nhà khoa học hai nước cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết tốt các vấn đề lý luận nảy sinh trên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, trong việc sáng tạo và phát triển những vấn đề lý luận dẫn dắt sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước đi đến thành công rực rỡ.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày (6-7/6) là dịp để các nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi học thuật, chia sẻ kết quả nghiên cứu về những thành tựu, những bài học kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc; đồng thời lan tỏa những giá trị, đóng góp thiết thực của hai nước đối với sự phát triển của thế giới và nhân loại.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tài Đông, Viện Triết học cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đều nhận thấy không có một mô hình nào là duy nhất, không có một mô hình nào là tốt nhất, mà chỉ có mô hình phù hợp nhất với sự phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra của cải và tận dụng tốt nhất tri thức, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Việt Nam là nước đi sau trong quá trình phát triển, vì vậy cần nghiên cứu, học hỏi thành tựu khoa học kỹ thuật, các thành tựu khác của các nước phát triển, phát huy lợi thế của người đi sau. Mô hình Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam hiện nay, với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển hiệu quả, tối ưu nhất của Việt Nam trong thời đại này.

 “Với tinh thần khoa học, hợp tác, hữu nghị, hội thảo sẽ là diễn đàn trao đổi về những bài học kinh nghiệm trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; bổ sung những nghiên cứu về giá trị của chủ nghĩa xã hội; củng cố, nâng tầm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa; cung cấp cho các quốc gia muốn tìm kiếm một con đường phát triển những thông tin về chủ nghĩa xã hội hiện thực…”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tài Đông nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các học giả, đại biểu hai nước tập trung thảo luận ba nội dung chính: Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới trên phương diện: kinh tế; tư tưởng, chính trị; văn hóa, hội nhập quốc tế. Đồng thời, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn đã được giải quyết, những vấn đề lý luận, thực tiễn đang đặt ra trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

 Diệu Thúy (TTXVN)
Lan tỏa giá trị tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng Chủ nghĩa Xã hội​
Lan tỏa giá trị tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng Chủ nghĩa Xã hội​

Ngày 18/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học giá trị tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa Xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN