Hơn 40 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đã tập trung làm rõ và khẳng định: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng những giá trị phổ quát, bao trùm mọi mặt đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức, quan hệ và nguyên tắc ứng xử giữa các quốc gia - dân tộc. Nội dung trong Di chúc đã đạt đến chiều sâu văn hóa, nhân văn. Bản Di chúc lịch sử là tác phẩm thể hiện một cách đậm nét phong cách tư duy, chất trí tuệ, ngôn ngữ giản dị, gần gũi với đời thường nhưng có sức lay động lòng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Di chúc của Bác chưa bao giờ cũ. Nội dung và ý nghĩa của Di chúc vẫn tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay. Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta càng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác, đặc biệt là đối với công tác xây dựng Đảng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.
"Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm tư duy chiến lược, chứa đựng những giá trị to lớn đã trở thành tài sản vô giá, là bảo vật quốc gia, là ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Trưởng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định Đoàn Văn Hùng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và là động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Từ những bài học sâu sắc được Bác chỉ ra, Đảng ta đã vận dụng nhiều biện pháp, hình thức tập hợp, đoàn kết rộng rãi các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp xã hội và mọi người Việt Nam tạo thành sức mạnh to lớn, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Trần Văn Chung cho biết, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời huấn thị của Người trong những lần về thăm Nam Định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, vận dụng sáng tạo lời dạy của Bác vào điều kiện thực tiễn của tỉnh, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương để xây dựng và phát triển quê hương, thu được nhiều kết quả nổi bật.
Từ một địa phương xuất phát điểm thấp, đến nay, kinh tế - xã hội của tỉnh có những bước phát triển mới; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới. Nam Định là tỉnh đầu tiên của cả nước về đích nông thôn mới (vượt kế hoạch 1,5 năm so với mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành tỉnh nông thôn mới). Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh được đầu tư tương đối hoàn chỉnh; giáo dục và đào tạo 24 năm liên tục là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước; các giá trị văn hóa tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; các chế độ an sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,15%.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Nam Định đang triển khai đồng bộ, quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng. Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, ưu đãi để thu hút đầu tư, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân...