Thấm thoắt đã 60 năm ngày nhân dân Phú Thọ được đón Bác Hồ về thăm Đền Hùng. 60 năm, nhưng lời căn dặn của Bác “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", vẫn luôn là “mệnh lệnh thiêng liêng” đối với nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng, cũng như nhân dân cả nước Việt Nam nói chung.
Đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Phạm Dụ ở phường Nông Trang (thành phố Việt Trì) vẫn nhớ như in những ngày được đón Bác từ "Thủ đô kháng chiến" về thăm Đền Hùng. Ông Phạm Dụ kể: Hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi ô tô Zep mang biển số KT-032 (KT là kí hiệu của Ban Kiểm tra 12 - Bí danh của Văn phòng Phủ Thủ tướng). Cùng đi trên xe với Bác có đồng chí lái xe của Văn phòng Phủ Thủ tướng, đồng chí Đinh Văn Cẩn (người phục vụ nấu ăn), đồng chí Dũng bảo vệ và nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ sáng 18/9/1954, Bác Hồ từ "Thủ đô kháng chiến" (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) về Phú Thọ, thắp hương viếng các Vua Hùng và gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong, giao nhiệm vụ trước khi về tiếp quản Thủ đô.
Trên đường đi, Bác vào thăm một đơn vị bộ đội mới ở Lào về, đóng quân ở đồi Chò, thôn Kim Lăng, xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng (lúc đó là xã Ba Đình, huyện Phù Ninh). Tại đây, Bác đã có cuộc nói chuyện với các cán bộ trong lực lượng quân tình nguyện Việt Nam làm công tác dân vận vũ trang tuyên truyền ở nước bạn Lào, được Trung ương triệu tập về nước để học tập về tình hình, nhiệm vụ mới sau thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ. Sau khi đi thăm nơi ăn, nơi ở, hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập và công tác của các cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, Bác căn dặn mọi người phải quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương giao.
Đến gần trưa, Bác vào thăm thị xã Phú Thọ để tìm hiểu tình hình đời sống và việc làm của đồng bào sau khi hòa bình được lập lại. Sau đó, Người đến địa điểm sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy Phú Thọ, ở thôn Quang Trung, xã Thanh Hà - ngoại vi thị xã Phú Thọ. Lúc đó, ông Phạm Dụ là Chánh văn phòng Tỉnh ủy, đồng chí Trần Lưu Vị là Trưởng Ban cán sự Đảng thị xã Phú Thọ và một số đồng chí khác, đã đón Bác. Bác hỏi một số tình hình chung và căn dặn: Phải giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình bộ đội gặp khó khăn; cần quản lý đô thị, sửa sang đường sá cho tốt và bảo đảm tính nguyên tắc trong chế độ thông tin giữa cấp dưới với cấp trên.
Chiều tối ngày 18/9/1954, Bác về đến Đền Hùng và nghỉ qua đêm tại đây. Vào khoảng 10 giờ ngày 19/9, Bác gặp gỡ các cán bộ đại diện cho Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng. Ngay sau khi mở đầu bài nói, Bác đã đặt câu hỏi kiểm tra kiến thức của cán bộ, chiến sỹ về lịch sử Đền Hùng và giảng giải về ý nghĩa của Đền Hùng.
Tiếp sau đó, Người khẳng định nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của Đại đoàn quân Tiên Phong là rất quan trọng và vinh dự. Người căn dặn: Khi vào tiếp quản Thủ đô phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật; phải đoàn kết rộng rãi, tôn trọng, gần dân và giúp đỡ nhân dân; chú ý học tập, rèn luyện, tránh sa ngã, bị cám dỗ trước những "viên đạn bọc đường". Nhiệm vụ giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề và quan trọng. Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời căn dặn của Bác không chỉ dành riêng cho tỉnh Phú Thọ và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308, mà đó còn là mệnh lệnh thiêng liêng đối với toàn dân tộc.
Năm 1962, Đế quốc Mỹ chuẩn bị cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc. Cả nước thành chiến trường chống Mỹ. Một lần nữa, Đền Hùng lại được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Lần về thăm này của Bác đúng vào dịp nhân dân Phú Thọ tổ chức mít tinh kỷ niệm Cách mạng tháng Tám. Sáng 19/8/1962, Bác nói chuyện với đồng bào tại sân vận động thị xã Phú Thọ. Sau đó, Người đi thăm hợp tác xã Nam Tiến và Nhà máy Supe Phốt phát - Lâm Thao và thăm Đền Hùng vào lúc gần trưa. Lên đến Đền Hạ, các đồng chí bảo vệ sợ Bác mệt, xin Bác nghỉ lại và mời Bác xuống núi. Bác nói: “Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích cuối cùng”.
Khi lên đến Đền Thượng là khoảng 11 giờ, Bác cùng đoàn nghỉ trưa, ăn cơm nắm ở cửa ngách phía đông nam Đền Thượng. Trước khi về, Bác dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm quan”. Lời căn dạy này của Bác vừa mang tính tổng kết, vừa có tính định hướng cho việc phát triển, tôn tạo Đền Hùng trong tương lai; đã trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau biết trân trọng quá khứ, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Lâm Đào An