Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII:

Trình Quốc hội 3 dự án luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp chiều 20/10, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi).

 

Tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục

 

Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thay cho Nghị quyết số 40/QH10 năm 2000 về vấn đề này đã được thực hiện từ năm học 2002-2003 đến nay; xác định mục tiêu của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông là nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, bảo đảm thực hiện mục tiêu của đổi mới giáo dục là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; từ nền giáo dục nặng về dạy chữ, ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp, góp phần quan trọng phát triển con người có năng lực và phẩm chất tốt.

 

Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 

Về cơ cấu giáo dục phổ thông, vấn đề giai đoạn giáo dục cơ bản kéo dài mấy năm, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giáo dục cơ bản trong 9 năm (5 năm tiểu học và 4 năm trung học cơ sở). Loại ý kiến thứ hai cho rằng giáo dục cơ bản cần 10 năm (5 năm tiểu học và 5 năm trung học cơ sở hoặc 6 năm tiểu học và 4 năm trung học cơ sở). Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành loại ý kiến thứ nhất vì đánh giá việc thực hiện giáo dục cơ bản 10 năm sẽ làm tăng thời gian giáo dục phổ cập bắt buộc thêm một năm, đòi hỏi ngân sách nhà nước tăng mạnh đầu tư cho giai đoạn giáo dục này. Việc tăng một lớp ở cấp trung học cơ sở hoặc cấp tiểu học và giảm một lớp ở cấp trung học phổ thông sẽ gây xáo trộn, mất cân đối về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên các cấp học phổ thông. Hơn nữa, việc dôi dư cơ sở vật chất và giáo viên cấp trung học phổ thông có thể dẫn đến tăng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung học phổ thông, đi ngược chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở...

 

Ủy ban đề nghị ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện bảo đảm thực tế của nhà trường, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như với khả năng tiếp thu của học sinh, bao gồm những nội dung cốt lõi, bắt buộc áp dụng trên quy mô toàn quốc và những nội dung bổ sung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời dành thời lượng để cơ sở giáo dục vận dụng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của nhà trường. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có ý kiến cụ thể về các nội dung: Định hướng dạy học tích hợp và dạy học phân hóa; xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa phổ thông; nhiệm vụ phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường; điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình, sách giáo khoa đổi mới; kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; lộ trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

 

Đề nghị sửa đổi, bổ sung 4 nội dung của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt

 

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nêu rõ: Trước đòi hỏi của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay và trong thời gian tới, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cần phải được sửa đổi, bổ sung. Về đối tượng chịu thuế: Luật hiện hành quy định 16 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ thấy rằng việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nap-ta (bao gồm cả con-đen-sát), chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng đã không còn phù hợp với thực tế do những mặt hàng này không chỉ dùng để sản xuất ra xăng mà còn sản xuất ra dung môi và một số sản phẩm khác không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Về đối tượng không chịu thuế: Luật hiện hành quy định 5 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Qua quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc cần thiết phải sửa đổi, làm rõ đối với trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu tàu bay không sử dụng cho mục đích tiêu dùng thuộc diện thu thuế tiêu thụ đặc biệt mà sử dụng cho an ninh, quốc phòng.

 

Về giá tính thuế: Từ ngày 01/01/2012, Luật thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 quy định thu thuế bảo vệ môi trường đối với một số loại hàng hóa. Tuy nhiên, do Luật thuế tiêu thụ đặc biệt chưa quy định cụ thể về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường nên cần bổ sung làm rõ, bảo đảm đồng bộ với Luật Thuế bảo vệ môi trường. Tờ trình đề xuất thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu và bia hiện nay còn thấp, chưa bảo đảm được mục tiêu hạn chế tiêu dùng những mặt hàng có hại cho sức khỏe. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới thì cần thiết phải điều chỉnh thuế suất đối với những mặt hàng này. Bên cạnh đó, để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng nhiên liệu sinh học từ sản xuất trong nước, góp phần bảo vệ môi trường, cần thiết phải quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi đối với xăng sinh học (E5, E10). Để đảm bảo đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi về thuế thu nhập cá nhân là không thu thuế đối với cá nhân trúng thưởng ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng (do không thể xác định được thu nhập của người chơi khi thắng) thì cần thiết phải tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng.

 

Tờ trình của Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt về đối tượng chịu thuế; đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế suất. Trên cơ sở tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình thực hiện, Ủy ban Tài chính-Ngân sách là cơ quan thẩm tra dự án Luật đánh giá phạm vi sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật còn tương đối hẹp, một số nội dung đề ra trong Chiến lược cải cách thuế chưa được thể chế hóa trong lần sửa đổi, bổ sung này. Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ cần đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung căn bản, đầy đủ, toàn diện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này. Báo cáo thẩm tra đã nêu rõ quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về những đề nghị của Chính phủ trong sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt lần này.

 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước

 

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) nêu rõ: Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, để khắc phục những tồn tại của Luật Ngân sách nhà nước và đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X và lần thứ XI của Đảng cần thiết phải sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước một cách căn bản, toàn diện. Dự án luật đã khắc phục những tồn tại của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước, tạo động lực phát triển các nguồn lực, phân bổ ngân sách tập trung, hợp lý, bảo đảm công bằng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước; ổn định và phát triển nền tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế bền vững, thực hiện xóa đói giảm nghèo. Đồng thời bảo đảm quyền quyết định những vấn đề trọng yếu nhất về ngân sách nhà nước của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương, HĐND, UBND các cấp và đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của nhà nước và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế...

 

Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) bao gồm 7 Chương, với 75 Điều. Tán thành với việc cần thiết phải sửa đổi luật hiện hành, cơ quan thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước là phải thể chế hóa các nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách. Đối chiếu với quy định của dự thảo luật thì một số định hướng quan trọng trong Hiến pháp chưa được cụ thể hóa rõ ràng. Ủy ban đề nghị rà soát, bổ sung làm rõ ngân sách nhà nước là thống nhất, có phân cấp quản lý và bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, thể hiện rõ nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương gắn với nhiệm vụ chi quốc gia; phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ gắn liền với phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương, theo đó xác định rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong quyết định dự toán ngân sách nhà nước, tránh trùng lắp và hình thức; tăng cường các quy định nhằm bảo đảm kỷ luật chi, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách, đặc biệt trong việc quản lý thu, chi ngân sách nhà nước cần tuân thủ và cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp: Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định…

 

Tăng tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của kiểm toán nhà nước

 

Tờ trình dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) nhấn mạnh việc xây dựng dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các quy định về kiểm toán nhà nước và Tổng kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của kiểm toán nhà nước theo yêu cầu Hiến pháp; bảo đảm thiết chế kiểm toán nhà nước có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

 

Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 80 điều (so với Luật hiện hành, dự thảo tăng 1 chương, 04 điều). Thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách đánh giá hơn 8 năm thực hiện, Luật Kiểm toán nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực: Hình thành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước theo hướng độc lập; định hướng được mô hình, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý và nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ hiện tại và giai đoạn sắp tới; đã thành lập các đơn vị kiểm soát chất lượng kiểm toán, giúp Tổng kiểm toán nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật... Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế; việc ban hành Hiến pháp năm 2013 cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện Luật Kiểm toán nhà nước... Ủy ban đề nghị dự án luật cần thể hiện rõ hơn một số nguyên tắc bảo đảm nâng cao tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; quy định rõ địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước; giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước trong việc tham gia vào quá trình quản lý ngân sách nhà nước; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước...

 

Ngày mai (21/10), theo Chương trình các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

 

Quỳnh Hoa

Gần 4.000 kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội
Gần 4.000 kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN