Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Dự lễ kỷ niệm có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy; các học viện, viện nghiên cứu, các tập đoàn, tổng công ty có quan hệ hợp tác với Hội đồng; các thế hệ lãnh đạo, thành viên, các cộng tác viên tư vấn của Hội đồng,...
Đọc Diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Trước yêu cầu tăng cường việc chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận chính trị trong thời kỳ đất nước thực hiện đường lối đổi mới, ngày 30/10/1996, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 06-QĐ/TW thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương.
Kế thừa và phát huy thành quả, kinh nghiệm của các tổ chức tiền thân, Hội đồng Lý luận Trung ương trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, đã không ngừng phấn đấu, đạt được nhiều thành tích và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển lý luận của Đảng.
Đóng góp nổi bật có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác nghiên cứu lý luận và các chương trình khoa học do Hội đồng quản lý, tổ chức thực hiện là đã góp phần củng cố, phát triển, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hội đồng đã tích cực đóng góp vào việc đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới.
Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh 5 bài học rút ra qua tổng kết 20 năm hoạt động của Hội đồng. Đó là: Kiên định vững vàng về chính trị, không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng tư vấn, nghiên cứu lý luận chính trị, phục vụ thiết thực, hiệu quả việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; Bám sát thực tiễn, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn đổi mới; Xây dựng và phát huy môi trường dân chủ, sáng tạo trong nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; Đoàn kết, phát huy trí tuệ của đội ngũ nghiên cứu lý luận trong nước, chủ động, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu lý luận; Xây dựng bộ máy tinh gọn, chuyên tâm, chuyên nghiệp, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và lề lối làm việc.
Phát biểu tại lễ Kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Lý luận và công tác lý luận có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã rất quan tâm đến công tác lý luận (bao gồm cả nghiên cứu lý luận, giáo dục lý luận, truyền bá lý luận, đào tạo cán bộ lý luận).
Riêng việc tổ chức các cơ quan nghiên cứu lý luận trực tiếp phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương đã tổ chức những cơ quan phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng giai đoạn nhằm cung cấp các luận cứ khoa học về lý luận chính trị, góp phần tư vấn giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoạch định, phát triển đường lối, chính sách của Đảng.
Trong 20 năm qua, Hội đồng Lý luận Trung ương đã bám sát tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, triển khai nhiều hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ được giao, thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; phục vụ trực tiếp cho việc chuẩn bị các báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 - 2006), 30 năm đổi mới (1986 - 2016), tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và xây dựng Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011...; chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị trong các nhiệm kỳ.
Hội đồng đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi lý luận với một số đảng cộng sản và đảng cầm quyền; biên soạn các báo cáo chuyên đề phục vụ việc nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới và nâng cao trình độ lý luận cho các đồng chí Ủy viên Trung ương; đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng...
Đội ngũ cán bộ lý luận, trí thức khoa học, các cơ quan tham mưu, tư vấn về đường lối, chính sách phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đã có những đóng góp xứng đáng, góp phần làm nên những thành tựu chung của đất nước qua 30 năm đổi mới.
Bí thư chỉ rõ: Tuy nhiên, trên con đường đổi mới và phát triển, còn không ít những vấn đề lớn, phức tạp, cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước tiếp tục phát triển. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần tiếp tục làm rõ. Nhiều vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách của thực tiễn phát triển nước ta vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng về mặt lý luận…
Thời kỳ phát triển mới của đất nước đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn nữa, nhất là đổi mới về kinh tế và đổi mới chính trị. Chính thực tiễn đổi mới đã đặt ra và hối thúc chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, tư duy phát triển, nâng cao năng lực sáng tạo để phát triển.
Đòi hỏi ấy càng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác lý luận thúc đẩy thực tiễn phát triển. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời có chủ trương, chính sách, xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta.
Thực tiễn đất nước đã chứng minh rằng để vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiến lên phải đổi mới toàn diện, đồng bộ, đặc biệt là đổi mới tư duy lý luận. Mặt khác, bài học sâu sắc từ thực tiễn phong trào cộng sản, công nhân quốc tế là đổi mới phải có nguyên tắc, đúng định hướng. Đổi mới mà xa rời nguyên tắc, chệch choạc về định hướng sẽ dẫn đến đổ vỡ, thất bại. Kiên định và sáng tạo; sáng tạo và kiên định trong vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vững vàng trên con đường xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - đó chính là nguyên tắc, định hướng đổi mới ở Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần kiên định và sáng tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đặc biệt là chất lượng tư vấn các vấn đề lý luận chính trị cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Để tư vấn tốt, Hội đồng Lý luận Trung ương cần triển khai nghiêm túc chương trình nghiên cứu, xử lý có hiệu quả mối quan hệ giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, coi trọng nghiên cứu cơ bản nhưng thiết thực; coi trọng nghiên cứu ứng dụng nhưng phải có tầm lý luận, phải có bước tiến thực sự về nghiên cứu dự báo, nhất là dự báo đặc điểm và xu hướng biến đổi của thế giới, khu vực và tác động tới nước ta; dự báo những vấn đề lớn trong tình hình mọi mặt của đất nước.
“Nghiên cứu lý luận là công việc khó khăn, vất vả nhưng tràn đầy niềm vui sáng tạo. Lý luận không phải là khô khan như có người tưởng, trái lại, rất sống động và thú vị, bởi nó phản ánh quy luật vận động muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, bởi đó là sự khám phá chân trời trí tuệ không giới hạn, nó là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta…
Muốn đạt được thành tựu, muốn có cống hiến, mỗi người chúng ta, trước hết là cán bộ, đảng viên, những người lãnh đạo, quản lý phải ra sức học tập, nghiên cứu lý luận. Đặc biệt, những người trực tiếp làm công tác lý luận càng phải say mê nghiên cứu, học tập (học lý thuyết, học thực tiễn, học nhân dân, học từ cuộc sống), học tập không ngừng”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư mong muốn đội ngũ cán bộ lý luận, các thành viên Hội đồng nêu cao tinh thần học tập, nghiên cứu, truyền cảm hứng và ý thức học tập, trau dồi lý luận trong toàn Đảng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển lý luận của Đảng, vào công cuộc đổi mới trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.