Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc VN

Tới dự và phát biểu tại Hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa VII) tổ chức tại Hà Nội, ngày 27/2, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:


Lịch sử ra đời, phát triển của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam hơn 80 năm qua là một lịch sử vẻ vang, oai hùng, luôn gắn liền với lịch sử vinh quang của dân tộc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN


Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Trong mọi thời kỳ cách mạng, MTTQ Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là nơi tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Bí thư nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu mà MTTQ Việt Nam đã đạt được thời gian qua, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tổng Bí thư hoan nghênh Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khẩn trương xây dựng Chương trình phối hợp, thống nhất hành động nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đồng thời tích cực, khẩn trương chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016.

Tổng Bí thư đã thông báo những thành công nổi bật của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cả về công tác xây dựng văn kiện, công tác nhân sự và công tác tổ chức.

Đánh giá cao những đóng góp quan trọng của MTTQ Việt Nam vào những thành công chung của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong muốn sắp tới, với chức năng, vị thế, vai trò hết sức quan trọng của mình, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đi vào thực tế cuộc sống, trước mắt là tham gia vào việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là lần đầu tiên, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được thực hiện trong cùng một ngày, đòi hỏi phải có sự thống nhất cao, quyết tâm lớn trong toàn xã hội.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: Mặt trận là nơi gửi gắm tâm tư nguyện vọng của nhân dân, là nền tảng chính trị của Đảng, Nhà nước ta, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, là hình ảnh thu nhỏ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước như: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các hoạt động nhân đạo từ thiện… Chính vì vậy, cần quan tâm xây dựng Mặt trận ngày càng vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp với điều kiện mới, có chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Mặt trận cần tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp hành động với các cơ quan trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, để cùng với đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại nói chung, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, không ngừng củng cố và nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và thông qua báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2010, chương trình phối hợp, thống nhất hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2011 và Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Hội nghị xác định Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đến các tầng lớp nhân dân, trong đó khẳng định MTTQ Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. MTTQ tiếp tục thực hiện đa dạng hóa việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.


Mở rộng và xây dựng MTTQ Việt Nam trên cơ sở là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện sự liên kết giữa các giai tầng, các lực lượng trong xã hội thành một khối nhất trí về tinh thần và lực lượng với nền tảng của liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, trong đó, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên để thực hiện mục tiêu chung xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


MTTQ đẩy mạnh việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, động viên nhân dân hăng hái lao động, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các phong trào, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Mặt trận thực hiện có hiệu quả vai trò đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 theo luật định.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016; cho ý kiến vào tờ trình thay đổi nhân sự theo Điều lệ MTTQ Việt Nam và một số nội dung quan trọng khác.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, tổng hợp báo cáo bước đầu của Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố cho thấy Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở nhiều địa phương đã thỏa thuận dự kiến giới thiệu tỷ lệ người ứng cử trên số đại biểu được bầu ở mức gấp hai lần trở lên. Điển hình là thành phố Hải Phòng dự kiến giới thiệu 23 người ứng cử trên tổng số 9 đại biểu Quốc hội được bầu (bằng 2,56 lần). Tỉnh Hà Tĩnh dự kiến giới thiệu 17 người ứng cử trên tổng số 7 đại biểu Quốc hội được bầu (bằng 2,34 lần). Tỉnh Thái Bình dự kiến giới thiệu 19 người ứng cử trên tổng số 9 đại biểu Quốc hội được bầu (bằng 2,11 lần). Tỉnh Điện Biên dự kiến giới thiệu 12 người ứng cử trên tổng số 6 đại biểu Quốc hội được bầu. Tỉnh Phú Thọ dự kiến giới thiệu 14 người ứng cử trên tổng số 7 đại biểu Quốc hội được bầu. Thành phố Đà Nẵng dự kiến giới thiệu 12 người ứng cử trên tổng số 6 đại biểu Quốc hội được bầu… Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận lựa chọn, đến Hội nghị hiệp thương lần thứ ba lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ có đủ số dư theo luật định.



TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN