Tôn vinh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2013, tỉnh Phú Thọ vinh dự và tự hào được đón Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây cũng là cơ hội để một lần nữa giới thiệu cho hàng triệu du khách trong và ngoài nước thấy được nét đẹp văn hóa truyền thống có một không hai trên thế giới của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”. Phóng viên TTXVN tại Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với ông Hà Kế San (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2013.

 

´Thưa ông, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2013 gắn với việc tôn vinh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị như thế nào cho một lễ Giỗ Tổ đặc biệt như vậy?

 

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ văn hóa, hội tụ tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều thành kính tri ân công đức Tổ tiên các Vua Hùng có công dựng nước. Thông qua Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ - 2013 do tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức với sự tham gia của 8 tỉnh: Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Bình Định, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.


 

Quang cảnh lễ rước kiệu Lễ hội Đền Hùng, ngày 17/4/2013 (tức 8 tháng 3 âm lịch).

Các nội dung lễ hội năm nay được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, thành kính, an toàn và tiết kiệm, góp phần giáo dục truyền thống và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần tôn vinh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Phú Thọ" đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với hai phần lễ và hội.


Phần lễ gồm các hoạt động: Tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của thành phố Việt Trì, Lễ dâng hương Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, ngày 13/4 (tức 4/3 âm lịch), tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Lễ tôn vinh, đón Bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Phần hội cũng có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trải dài từ Đền Hùng về đến Ngã ba Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, các huyện Lâm Thao và Phù Ninh với các hoạt động phong phú như: Tổ chức Lễ Rước kiệu và tiến dâng lễ vật tri ân công đức các Vua Hùng của 8 xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng; tổ chức đánh trống đồng, múa sư tử và hát xoan của các phường xoan cổ trong tỉnh; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy; các hoạt động thể thao: bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc và bắn nỏ của 13 huyện, thị, thành trong tỉnh; hội thi bơi chải trên sông Lô, Hội chợ Hùng Vương và Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương năm 2013...


Do năm nay, Lễ Giỗ Tổ rất đặc biệt nên ngay từ tháng 1/2013, tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ - 2013, gắn với tổ chức Lễ tôn vinh, đón Bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; thành lập Ban Tổ chức và phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên Ban Tổ chức, bộ phận thường trực và các tiểu ban phục vụ tổ chức; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết tổ chức các hoạt động theo từng nội dung công việc cụ thể; Chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công trình xây dựng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh phục vụ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ - 2013.


Tại thành phố Việt Trì đã tiến hành chỉnh trang đô thị, chuẩn bị cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đón đồng bào về Giỗ Tổ; song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch đã và đang diễn ra hết sức khẩn trương. Với mục tiêu đảm bảo các điều kiện thuận lợi và hài lòng nhất cho đồng bào và du khách về dự Giỗ Tổ và các hoạt động lễ hội.


´Việc "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được UNESCO công nhận cho thấy thế giới thừa nhận và đánh giá rất cao đời sống tâm linh của người Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Xin ông cho biết về tính độc đáo của tín ngưỡng này khác với những di sản đã được công nhận trước đó.


Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Cụ thể, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” và khi được UNESCO công nhận, di sản sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Bên cạnh đó, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam cũng được đánh giá rất cao bởi tín ngưỡng này không chỉ được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân cư Việt Nam, nhất là tỉnh Phú Thọ, mà người Việt Nam còn áp dụng cả tín ngưỡng đó trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có nghi lễ thờ cúng tổ tiên, phụng thờ nhân vật khai sáng dân tộc, thế nhưng hiếm có nơi nào mà đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, người Việt ở nước ngoài, đều xem mình có chung Quốc tổ, chung một cội rễ như ở Việt Nam.

 

´Sau khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Phú Thọ cần làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống này, đặc biệt là làm gì để phát triển di sản truyền thống này lên thành du lịch tâm linh của cả cộng đồng trong và ngoài nước?


Chúng tôi đã nhận thức rõ tầm quan trọng của tỉnh có tới 2 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đây sẽ là thuận lợi để gắn văn hóa với phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Vinh dự, tự hào gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm lớn lao trước Đảng, Nhà nước, quốc gia, dân tộc, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung vào một số việc cần triển khai như; gắn các hoạt động Lễ hội Đền Hùng với tôn vinh di sản văn hóa "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương"; tiếp tục tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa tâm linh độc đáo có một không hai của người Việt Nam và của nhân loại; tạo không khí phấn khởi, niềm vinh dự, tự hào về di sản, là minh chứng lịch sử hào hùng của truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn, đùm bọc yêu thương của người Việt Nam trong nghĩa "đồng bào". Bên cạnh đó, tập trung xây dựng chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại để di sản văn hóa không chỉ là tài sản tinh thần, tài nguyên vô giá của quốc gia, của thế giới mà phải góp phần thực sự vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.


Tỉnh cũng sẽ tiếp tục tôn tạo, tu bổ Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng, các di tích thờ các Vua Hùng, các vợ con, tướng lĩnh, danh nhân thời đại các Vua Hùng trên địa bàn tỉnh để tổ chức trao truyền, thực hành "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" - di sản của ông cha để lại; đồng thời cụ thể hóa và thống nhất những nội dung về nghi lễ, nghi thức thờ cúng tổ tiên và những phong tục, nét văn hóa dân gian đặc sắc nằm trong "không gian văn hóa Hùng Vương" để tu bổ, phục dựng (cả những thiết chế thờ cúng) để quảng bá, giới thiệu gắn với các tour, tuyến du lịch, để di sản nhân loại vừa được giữ gìn, tôn tạo, vừa được phát huy giá trị, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.


´Xin trân trọng cảm ơn ông!



Tạ Văn Toàn (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN