Thủ tướng: Thúc đẩy sản xuất tôm ở Bạc Liêu theo hướng công nghiệp toàn diện

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2018 – sự kiện xúc tiến thương mại lớn nhất từ 20 năm tái lập tỉnh đến nay - đã diễn ra sáng 30/1 tại TP. Bạc Liêu với sự góp mặt của hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế; các vị Đại sứ, Lãnh sự và đại diện một số cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Hội nghị còn có sự tham gia của các tổ chức tài chính, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách uy tín.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu kêu gọi các nhà đầu tư đến với Bạc Liêu -  thủ phủ của ngành tôm công nghiệp siêu thâm canh, giàu tiềm năng năng lượng tái tạo và cũng là mảnh đất đậm đà bản sắc văn hóa Nam bộ.

"Thủ phủ tôm công nghiệp"

Bạc Liêu - với vị trí nằm cặp theo bờ biển Đông, đất có thể nuôi tôm chiếm gần 50% diện tích toàn tỉnh do đó, nuôi trồng thủy sản cũng chính là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh mà trực tiếp là con tôm và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hạt nhân lan tỏa. Hiện nay, sản lượng tôm nuôi ở Bạc Liêu khoảng 116 ngàn tấn, chiếm 16,8% sản lượng tôm nuôi cả nước, mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 527 triệu USD, chiếm 13,7% giá trị xuất khẩu ngành tôm cả nước.

Bên cạnh nông nghiệp, Bạc Liêu xác định phát triển năng lượng tái tạo là trọng tâm của công nghiệp tỉnh nhà. Điều này xuất phát từ lợi thế thiên nhiên ưu đãi cho Bạc Liêu có đất đai bằng phẳng, rất ít bị bão lụt, có nắng và gió hầu như quanh năm với cường độ rất tốt, nhất là ở vùng ven biển có điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời.

Giàu có về năng lượng, Bạc Liêu còn có bề dày truyền thống văn hóa, là một trong những cái nôi của Đờn ca tài tử Nam bộ, gắn với tên tuổi cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản Dạ cổ hoài hang bất hủ với giai thoại Công tử Bạc Liêu hào hoa, phóng khoáng. Bạc Liêu có nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử và phong tục tập quán của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa với các điểm du lịch nổi tiếng như: Khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu Quán Âm Phật Đài, cánh đồng điện gió trên biển...

Với quan điểm phát triển bền vững, Bạc Liêu đã mạnh dạn xin rút dự án Nhiệt điện Cái Cùng và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng tình rất cao, giúp cho hình ảnh của tỉnh nâng lên rất tốt, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến, ủng hộ ngày càng nhiều hơn.

Vùng đất Bạc Liêu qua bao đời khó khăn, đã và đang từng bước thay da đổi thịt để vươn lên phát triển. Với quá khứ cách mạng hào hùng, với hiện tại giàu tiềm năng và có đường hướng phát triển được xác định cụ thể, với quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu, chắc chắn trong tương lai Bạc Liêu sẽ phát triển nhanh và bền vững, là vùng đất có nhiều dư địa, nhiều cơ hội để các Nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể cùng hợp tác đầu tư và phát triển.

Khơi dậy tiềm năng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu đánh giá cao Bạc Liêu tổ chức hội nghị  xúc tiến đầu tư với cách làm mới, hiệu quả, kết nối các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, Thủ tướng cũng hoan nghênh sự có mặt của lãnh đạo nhiều tỉnh thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, thể hiện tinh thần hợp tác chặt chẽ, cùng phát triển.

Vui mừng trước kết quả hơn 110 ngàn tỷ đồng đầu tư, cam kết đầu tư vào Bạc Liêu, Thủ tướng cho rằng hội nghị đã khơi dậy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của tỉnh nhà.

Điểm lại những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này với tam giác phát triển kinh tế - xã hội và môi trường trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nhấn mạnh đến điểm sáng nổi bật của Bạc Liêu là mô hình phát triển bắt đầu dựa trên lợi thế so sánh của địa phương và ứng dụng công nghệ.

Song, nhìn vào những điểm yếu còn tồn tại của địa phương, Thủ tướng đánh giá, Bạc Liêu vẫn còn là tỉnh nghèo thuộc diện nhóm cuối của Đồng bằng Sông Cửu Long, lao động chủ yếu là thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Nhấn mạnh đến 4 trụ cột phát triển mà Bạc Liêu cần hướng đến trên nền tảng khát vọng, tầm nhìn dài hạn, bền vững hơn, Thủ tướng cho rằng, một từ khóa mới đã xuất hiện đó là "ngành công nghiệp tôm Việt Nam" và nêu rõ, mục tiêu này đặt ra đối với Bạc Liêu và Cà Mau và một số tỉnh khác một khát vọng phát triển to lớn.

Để thực hiện tầm nhìn đó, Thủ tướng cho rằng, về nông nghiệp, Bạc Liêu cần tập trung vào lúa gạo chất lượng cao, nuôi trồng đánh bắt hải sản, trọng tâm là nuôi tôm công nghệ cao. 

Cùng với đó là phát triển năng lượng tái tạo – một lĩnh vực giàu tiềm năng ở Bạc Liêu. Thủ tướng cũng mong muốn tỉnh tập phát triển công nghiệp chế biến, bao gồm cả giải quyết việc làm, gắn với sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó là phát triển du lịch, dịch vụ trên cơ sở văn hóa truyền thống của tỉnh nhà.

"Nếu biết khai thác hiệu quả bền vững, tiềm năng, lợi thế của tình nhà gắn với xu hướng công nghệ mới, tỉnh Bạc Liêu hoàn toàn có thể trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển Tây Nam của Tổ quốc", Thủ tướng tin tưởng. 

Thủ tướng cũng đề nghị Bạc Liêu nỗ lực nhiều hơn trong việc tạo ra môi trường đầu tư  thuận lợi hơn nữa để biến vùng đất giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa này đạt được các mục tiêu đề ra.

Gợi ý những giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bạc Liêu phát triển cần gắn bó chặt chẽ với các địa phương trong Vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Bạc Liêu với các Nhà đầu tư. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trên cơ sở đó, Thủ tướng mong muốn Bạc Liêu cần phát triển gắn bó chặt chẽ với đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh; bao gồm kết nối quy hoạch, thị trường và các yếu tố của quá trình sản xuất, nhất là 4 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng.

"Cần xóa bỏ trong tư duy, nhận thức về tính cục bộ, địa giới hành chính vì hoạt động kinh tế vỗn dĩ là không có ranh giới", Thủ tướng nêu rõ.

Đặt kỳ vọng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm của cả nước cả giống, thức ăn, chế phẩm và đặc biệt là chế biến sâu, Thủ tướng đề nghị cần áp dụng mô hình biến đổi khí hậu trong nuôi tôm tận dụng thuận lợi về thời tiết và nhu cầu thị trường.
Muốn vậy, theo Thủ tướng, tỉnh cần giữ được nền tảng sản xuất sạch, giữ được chất lượng tôm và nguồn nước thông qua quy trình sản xuất chặt chẽ và ứng dụng công nghệ mới. Phát triển ngành và chuỗi giá trị tôm khép kín để chủ động kiểm soát tốt chất lượng và giảm giá thành.

Thủ tướng đề nghị "phát động phong trào trong toàn dân để xử lý nghiêm những kẻ phá hoại thương hiệu tôm Việt Nam".

Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, logistic phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng, thu gom, chế biến tôm. Xử lý tốt quy hoạch vùng nguyên liệu với những biện pháp chủ động hơn phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu. Thúc đẩy quá trình sản xuất tôm theo hướng công nghiệp toàn diện về mọi mặt từ giống, năng lực quản lý, chế biến và an toàn thực phẩm.

Thủ tướng cũng căn dặn Đảng bộ, chính quyền Bạc Liêu chú trọng đảm bảo nguồn nhân lực phát triển nhanh, bền vững; xây dựng chính quyền đối thoại và khắc phục cho được những chỉ số đạt thấp như: Tính năng động, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp.
Bạc Liêu phải "hòa vào dòng cải cách của cả nước” tạo ra môi trường thông thoáng, thuận lợi, minh bạch đối với các nhà đầu tư để địa phương có sức sống mới, Thủ tướng yêu cầu và mong muốn tỉnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng phát triển bền vững.

Kêu gọi các nhà đầu tư đến với Bạc Liêu, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cương quyết giữ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, đặc biệt là ổn định vĩ mô. Chính phủ bảo vệ quyền con người, quyền tài sản, quyền công dân, song Chính phủ cũng không hoan nghênh các nhà đầu tư phá hoại môi trường của Việt Nam.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã trao Giấy Chứng nhận cho hơn 10 dự án được cấp phép đầu tư, hơn 20 dự án đăng ký đầu tư và ký kết hợp tác đầu tư  với tổng số vốn lên đến hơn 110 ngàn tỷ đồng.

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng đã Lễ Khởi công Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; kết hợp với Lễ thả tôm mô hình siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc và động thổ xây dựng biểu tượng con tôm Việt.

Nhân dịp công tác tại Bạc Liêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tâm, đường 23/8, khóm Trà Kha, Phường 1, thành phố Bạc Liêu.

Quang Vũ – Huỳnh Sử (TTXVN)
Thủ tướng: Bạc Liêu cần phát triển xanh với 4 trụ cột
Thủ tướng: Bạc Liêu cần phát triển xanh với 4 trụ cột

Ngay sau khi tới thành phố Cần Thơ, vượt qua hơn 100km đường bộ tới Bạc Liêu, 20h tối 29/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu - địa phương đứng thứ 2 cả nước về diện tích và sản lượng tôm và đang phấn đấu trở thành “thủ phủ” nuôi tôm công nghiệp của cả nước. Buổi làm việc diễn ra ngay trước thềm Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2018, sẽ diễn ra vào sáng 30/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN