Thủ tướng: Chung tay vì sự nghiệp chăm sóc đôi mắt, vì sức khỏe nhân dân

Sáng 24/11, Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Mắt (1917-2017) và 60 năm Bệnh viện Mắt Trung ương dưới chính quyền cách mạng (1957-2017) đã diễn ra trang trọng tại Hà Nội với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Viện Mắt ra đời năm 1917 từ một nhà thương chữa mắt ở dốc Hàng Gà nhỏ bé với 50 giường bệnh và vài bác sỹ, được trang bị thô sơ; khám và điều trị các bệnh mắt thông thường, do người Pháp trực tiếp điều hành. Thời đó, sự kiện này được cả Đông Dương biết đến. 100 năm sau những ngày tháng ấy, Viện Mắt trước kia, Bệnh viện Mắt Trung ương ngày nay đã trở thành bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước, ngang tầm với một số trung tâm nhãn khoa tiên tiến trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước lên Cờ truyền thống Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Sáng 24/11, Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Mắt (1917-2017) và 60 năm Bệnh viện Mắt Trung ương dưới chính quyền cách mạng (1957-2017) đã diễn ra trang trọng tại Hà Nội với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi Lẵng hoa chúc mừng đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương.

Đầu giờ sáng cùng ngày, trước khi tới dự buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian đến thăm cơ sở làm việc, phòng khám, thăm quan các trang thiết bị y tế chuyên dụng hiện đại trong ngành mắt và nói chuyện, thăm hỏi các bệnh nhân đang đến khám, điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng chứng kiến cơ sở vật chất của Bệnh viện ngày càng khang trang, hiện đại, đội ngũ thầythuốc hùng hậu, chuyên môn cao. Người bệnh ngày càng hài lòng hơn khi đến khám, chữa bệnh ở đây.

Lễ kỷ niệm được tổ chức song hành với buổi khai mạc Hội nghị ngành Nhãn khoa Việt Nam năm 2017. Đây là hội nghị thường niên nhằm đánh giá tổng kết các công tác phòng chống mù lòa tại Việt Nam. Hội nghị cũng là diễn đàn khoa học để cán bộ ngành nhãn khoa trao đổi, chia sẻ, công bố các công trình nghiên cứu mới nhất được ứng dụng trong thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các khoa, phòng của Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Các bác sỹ Việt Nam sẽ có điều kiện để tiếp xúc với các chuyên gia nổi tiếng hàng đầu trong một số lĩnh vực chuyên sâu của ngành nhãn khoa trên thế giới để có thể trao đổi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác khám, điều trị cho người bệnh.

Hội nghị lần này có sự tham gia của hơn 1600 đại biểu Việt Nam và 80 chuyên gia, khách mời quốc tế đến từ các nước Pháp, Italia, Nhật Bản, Thái Lan, Australia, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… tham dự. Hội nghị có hơn 200 bài báo cáo về các chuyên ngành: Glôcôm, thể thủy tinh, dịch kính võng mạc, mắt trẻ em, giác mạc, phòng chống mù lòa…

Đặc biệt trong Hội nghị lần này còn có các khóa đào tạo ngắn hạn với các chủ đề về Dịch kính võng mạc-OCT, Phẫu thuật Laser Femto Second, phẫu thuật Phaco nâng cao, Glocom, Nhãn nhi, Tạo hình-thẩm mỹ, học viên được cấp chứng chỉ tại Hội nghị.

Hội nghị còn có 60 gian hàng triển lãm của các công ty dược phẩm, trang thiết bị y tế trong nước và quốc tế liên quan đến ngành nhãn khoa, trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới nhất, hiện đại nhất để các bác sỹ có thể cập nhật sử dụng mang lại hiệu quả mong muốn cho bệnh nhân.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng trao Huân chương Độc lập Hạng 3 tặng tập thể y bác sỹ Viện Mắt Trung ương.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhắc lại câu nói của người xưa: “Giàu 2 con mắt, khó đôi bàn tay”. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, là tài sản vô giá đối với bản thân mỗi con người, gia đình, xã hội. Việc chăm sóc bảo vệ đôi mắt có ý nghĩa vô cùng quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại lịch sử thăng trầm nhưng rất đỗi vẻ vang của Viện Mắt, nay là Bệnh viện Mắt Trung ương, Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu của Bệnh viện Mắt Trung ương, nhất là trong phòng, chống bệnh đau mắt hột, chuẩn bị cùng Tổ chức Y tế thế giới công bố thanh toán hoàn toàn bệnh mắt hột ở Việt Nam; chương trình uống Vitamin A trên toàn quốc góp phần chấm dứt mù lòa do khô mắt, hạ thấp tỷ lệ mù lòa có thể phòng tránh được.

Bệnh viện đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nhãn khoa thể hiện qua việc cả nước có hơn 2000 bác sỹ nhãn khoa, hơn 5000 y sỹ đang làm việc trong ngành mắt ở hai hệ thống y tế công và tư; hàng trăm các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố trong nước và quốc tế đạt hiệu quả cao trong thực tế. Hàng năm, Bệnh viện tiếp nhận hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về mắt; phẫu thuật cho hàng chục ngàn người bệnh, đem lại ánh sáng và niềm vui cho nhân dân.

Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận Bệnh viện Mắt Trung ương đã tự chủ về tài chính thành công, đời sống y bác sỹ, người lao động được nâng cao và mua được nhiều thiết bị hiện đại phục vụ  bệnh nhân.


Biểu dương những thành tích của tập thể các giáo sư, bác sỹ, nhân viên, người lao động của Bệnh viện Mắt Trung ương, để không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân, Thủ tướng mong muốn tập thể y bác sỹ Bệnh viện không ngừng nỗ lực phấn đấu, tất cả vì người bệnh.

Thủ tướng đề nghị Bệnh viện cần tổ chức thực hiện tốt nghị quyết của Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; đoàn kết một lòng, chung tay phấn đấu vì sự nghiệp chung cao cả bảo vệ, chăm sóc đôi mắt.

Cùng với đó là không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, làm cho bệnh nhân cảm thấy an toàn hơn khi đến khám, chữa bệnh.  Phát huy sáng tạo, tận dụng nội lực đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác quốc tế, mở rộng giao lưu học hỏi các cơ sở nhãn khoa trên thế giới.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yếu tố con người, Thủ tướng đề nghị Bệnh viện chú trọng đào tạo nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên, có chế độ đãi ngộ người tài, tạo điều kiện cho các bác sỹ trẻ đi học tập ở trong, ngoài nước.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thành phố Hà Nội quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa, nhất là về cơ sở vật chất, giúp Bệnh viện Mắt Trung ương hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Nhân dịp này Thủ tướng đề nghị Ngành Nhãn khoa nói riêng, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế nói chung cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất để phục vụ nhân dân.

Sự ra đời của Viện Mắt, tiền thân của Bệnh viện Mắt Trung ương ngày nay gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngành Nhãn khoa Việt Nam.


Đến nay, cơ sở y tế này đã phát triển với quy mô 300 giường bệnh, cơ sở hạ tầng khang trang, đội ngũ cán bộ nhãn khoa với 408 cán bộ công chức, trong đó có 1 Giáo sư Tiến sỹ, 4 Phó Giáo sư, Tiến sỹ, 13 Tiến sỹ y học và 33 thạc sỹ. Qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, những thách thức và vận hội khác nhau, nhưng Bệnh viện Mắt Trung ương luôn giữ vững vai trò là cánh chim đầu đàn của ngành mắt Việt Nam, là cái nôi đào tạo các thế hệ cán bộ nhãn khoa cả nước. Trong nhiều thập kỷ phát triển, đây là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, đóng vai trò hạt nhân phát triển ngành nhãn khoa Việt Nam trên các lĩnh vực: tuyến khám chữa bệnh mắt cao nhất, đào tạo và bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực cho các chương trình phòng chống mù lòa cộng đồng...



Quang Vũ - Quốc Trị (TTXVN)
Bệnh viện Mắt Trung ương xem xét xử lý bác sỹ 'gác chân lên ghế'
Bệnh viện Mắt Trung ương xem xét xử lý bác sỹ 'gác chân lên ghế'

Ngày 12/9, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, liên quan đến vụ việc “Bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương gác chân lên ghế khi thăm khám và trao đổi với gia đình người bệnh”, ngày 11/9, Cục đã nhận báo cáo giải trình của Bệnh viện Mắt Trung ương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN