Bệnh viện Mắt Hà Nội không đánh tráo thủy tinh thể

Sáng 7/10, tại cuộc họp báo liên quan đến vụ tố cáo "tráo thủy tinh thể" ở Bệnh viện Mắt Hà Nội, một lần nữa, đại diện Sở Y tế và Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định Bệnh viện Mắt Hà Nội chỉ sai sót về mặt hành chính, bản chất vụ việc trên không phải là "đánh tráo thủy tinh thể" để lấy tiền chênh lệch.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Theo kết luận của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Nội đã sử dụng loại nhân mắt được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu vào Việt Nam và đã qua đấu thầu. Việc dùng nhân mắt loại nào để thay cho bệnh nhân là do bác sỹ điều trị chỉ định (trước khi phẫu thuật bác sỹ phẫu thuật sẽ tư vấn lại). Tuy nhiên, so sánh giữa thực tế sử dụng (tem dán lưu lại trên hồ sơ bệnh án) và biên lai thu tiền của phòng Tài vụ thì loại thủy tinh thể thay cho bệnh nhân có sự khác nhau. Đối chiếu tem dán trên hồ sơ bệnh án với vật tư sử dụng thì hoàn toàn trùng khớp. Điều này cho thấy sai sót trên thuộc về phòng Tài vụ của bệnh viện đã không thực hiện đúng quy định.


Cụ thể, từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2011, đã có 703 ca thay thủy tinh thể Hoya (Nhật), Focus (Pháp). Thế nhưng, bộ phận thu tiền của bệnh viện đã sử dụng con dấu thay thủy tinh thể IQ (Mỹ) đóng vào biên lai thu tiền mà không thông báo cụ thể cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Ba loại nhân mắt Hoya (Nhật), Focus (Pháp) và IQ (Mỹ) có giá từ 3.220.000 - 3.243.000 đồng, tức chỉ chênh nhau nhiều nhất là 23.000 đồng và cùng nằm trong khung giá trọn gói là 6.500.000 đồng/ca phẫu thuật thay thủy tinh thể.


PGS.TS Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Việc có sự điều chỉnh về nhân mắt thủy tinh thể phù hợp cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật là cần thiết để bệnh nhân sử dụng dịch vụ được tốt nhất. Tuy nhiên, bệnh viện đã có sai sót về mặt hành chính khi sử dụng con dấu IQ (thủy tinh thể của Mỹ) để đóng lên biên lai thu tiền các nhân mắt có tính chất và giá tương tự. Sai sót này đã được bệnh viện khắc phục sau khi có kết luận của Thanh tra Sở Y tế”.


Liên quan đến việc sử dụng dịch nhầy trong phẫu thuật thay thủy tinh thể, đại diện Sở Y tế Hà Nội khẳng định, đây là một loại vật tư tiêu hao hỗ trợ trong phẫu thuật, có thể sử dụng nhiều hay ít phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sỹ phẫu thuật, bệnh nhân dùng ít bù cho bệnh nhân dùng nhiều, không ảnh hưởng đến chất lượng kỹ thuật cũng như chất lượng phẫu thuật cho bệnh nhân.


Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu bệnh viện chấn chỉnh sai phạm, thu hồi ngay con dấu thủy tinh thể IQ (Mỹ). Biên lai thu tiền nhân mắt loại nào phải ghi rõ loại ấy, đồng thời phải ghi rõ vào bệnh án của bệnh nhân. Khi tiến hành phẫu thuật nếu có sự thay đổi nhân mắt cho phù hợp với bệnh nhân phải do phẫu thuật viên chính chịu trách nhiệm; đồng thời, thông báo cho bệnh nhân được biết, tránh gây bức xúc, hiểu nhầm.


Trước đó, trong đơn tố cáo, BS Nguyễn Thị Thu Thủy, Bệnh viện Mắt Hà Nội đã phản ánh, trong năm 2011 Bệnh viện Mắt Hà Nội đã mổ cho khoảng 3.000 ca (khoảng 6,5 triệu đồng/ca). Với số tiền này người bệnh sẽ phải được dùng thủy tinh thể và dịch nhầy của Mỹ. Nhưng trên thực tế Giám đốc Bệnh viện Vũ Thị Thanh đã cho đấu thầu các chất liệu rẻ tiền để tráo đổi trong lúc phẫu thuật. Trên hóa đơn thu tiền của người bệnh đều ghi rõ thể thủy tinh nhân tạo IQ của hãng Alcon (Mỹ), nhưng trên thực tế trong lúc mổ đã bị tráo sang nhân HOYA và Focus của hãng khác. Theo cách tính của chị Thủy và một số đồng nghiệp thì có khoảng 800 ca mổ đã bị đánh tráo. Đặc biệt, dịch nhầy Duovis của Mỹ (600.000 đồng/hộp) cũng đã bị tráo sang dịch nhầy của Ấn Độ có giá rẻ (chỉ có giá 245.000 đồng/hộp). Mặt khác, thay vì chỉ dùng cho một bệnh nhân, thì mỗi ống dịch nhầy Ấn Độ lại được chia dùng cho từ 4 - 5 bệnh nhân. Theo đơn tố cáo, ước tính số tiền số tiền gian lận có thể lên tới hàng tỉ đồng.


Tuyết Mai- P.Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN