Một số thí sinh lựa chọn những câu chuyện kể về tình cảm sâu nặng và những lần Bác về thăm Hưng Yên như: "Bác Hồ với phong trào thủy lợi Hưng Yên", "Nhớ lời Bác dạy", Bác Hồ về thăm Đình dù", "Bác Hồ đến thăm các cháu mồ côi ở trại trẻ Kim Động"... Qua đó, toát lên những thông điệp về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rút ra những bài học quý về phẩm chất đạo đức, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương của Người.
Nhiều thí sinh còn chọn kể về những tập thể, điển hình tiên tiến, những tấm gương bình dị giữa đời thường trong học tập và làm theo tấm gương của Bác. Như câu chuyện thầy giáo Phạm Văn Hưng ở trường Trung học phổ thông Phù Cừ giàu nghị lực và tích cực học tập, làm theo lời Bác; ông Bùi Đình Thăng ở xã Đoàn Đào (Phù Cừ) hơn 20 năm tự nguyện xây dựng thư viện gia đình và phục vụ nhân dân đọc sách miễn phí; chuyện về anh Trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Thắng Lợi (Văn Giang) dũng cảm đấu tranh với côn đồ, bảo vệ bình yên cho xóm làng...
Các thí sinh tham gia hội thi đều có kỹ năng, nghệ thuật kể chuyện, nhuần nhuyễn trong trình bày nội dung và phân tích bình luận, biết khai thác bối cảnh lịch sử, rút ra bài học sâu sắc, có sáng tạo trong liên hệ thực tiễn, gắn kết sinh động nội dung chuyện kể với thực tiễn bằng các hình ảnh minh họa, tạo sức hấp dẫn đối với khán giả. Thông qua cuộc thi đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng của việc học tập và làm theo Bác Hồ trên mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia...
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên và bà Trần Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Hưng Yên tặng hoa cho 35 thí sinh tham dự cuộc thi. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN |
Ban tổ chức đã trao giải nhất cho thí sinh Nguyễn Thị Phương Thêm; 2 giải nhì dành cho các thí sinh Vũ Thị Linh và Phạm Thị Thùy; 3 giải Ba, 5 giải khuyến khích, 3 giải thành phần cho các thí sinh đạt kết quả tốt.