Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ Thái Bình đã công bố Quyết định số 3589 của UBND tỉnh về hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh Thái Bình và công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Văn phòng này.
Theo đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan hành chính Nhà nước, tương đương cấp sở, thuộc UBND tỉnh Thái Bình, có chức năng tham mưu, tổng hợp, phục vụ hoạt động của văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, trụ sở làm việc tại số 76, đường Lý Thường Kiệt, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Văn phòng có 11 đơn vị trực thuộc, mỗi đơn vị trực thuộc có một trưởng phòng và tương đương; có các phó trưởng phòng và tương đương; trước mắt giữ nguyên số lượng các phó trưởng phòng như hiện nay, khi có cán bộ nghỉ hưu, chuyển công tác thì không được bổ sung, đồng thời xây dựng kế hoạch điều chuyển, sắp xếp lại phó trưởng phòng để đến hết năm 2020 số lượng cấp phó trưởng phòng của các đơn vị đảm bảo đúng quy định...
Ông Trần Ngọc Tuấn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh Thái Bình kể từ ngày 10/5/2019. Các ông Nguyễn Tuấn, Phạm Ngọc Chính, Nguyễn Văn Huy (Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh) và bà Trần Thị Ngọc Lan, ông Vũ Văn Chương (Phó Chánh văn phòng HĐND tỉnh) được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh, kể từ ngày 10/5/2019.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình quán triệt, cơ quan văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, văn phòng HĐND tỉnh và văn phòng UBND tỉnh đã từng nhiều lần chia tách và sáp nhập. Việc chia tách hay sáp nhập phụ thuộc vào điều kiện, yêu cầu của từng thời kỳ cụ thể, theo sự bàn bạc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tỉnh Thái Bình là một trong những đơn vị được lựa chọn thí điểm việc sáp nhập này.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, việc sáp nhập được thực hiện theo tính chất cơ học. Văn phòng mới thành lập vẫn thực hiện chức năng tham mưu cho Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh. Các cán bộ, chuyên viên vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao, không có sự thay đổi lớn về chức năng, nhiệm vụ... Khi sáp nhập có thuận lợi là cơ bản các vị trí vẫn giữ nguyên chức năng tham mưu cho hoạt động của ba cơ quan; khi tập trung đầu mối, sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ sẽ thuận lợi hơn... Các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại sẽ được điều chỉnh phù hợp qua quá trình thực hiện thí điểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng nhấn mạnh: Việc sáp nhập phù hợp với quá trình thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và quyết định của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn cơ quan Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh thực hiện tốt hơn nữa chức năng tham mưu cho ba cơ quan trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị phục vụ sự điều hành của cấp ủy.
Các cán bộ, chuyên viên văn phòng cần quyết tâm, nỗ lực, tận tụy, năng động, gắn bó, đoàn kết, thống nhất, chịu khó, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, trong tham mưu cho lãnh đạo. Trên cơ sở quyết định của UBND tỉnh, Văn phòng cần tổ chức, sắp xếp lại bộ máy của cơ quan, nếu việc bố trí cơ cấu cán bộ, công nhân viên chưa hợp lý thì nghiên cứu, đề xuất trên cơ sở cố gắng đảm bảo sự ổn định và đảm bảo quyền lợi của các cán bộ, công nhân viên chức trong cơ quan; khẩn trương phân công các đồng chí lãnh đạo, đội ngũ chuyên môn để điều hành, tham mưu giúp việc cho ba cơ quan; nhanh chóng xây dựng quy chế mới điều hòa hoạt động của ba cơ quan...