Bên cạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bầu cử, quyền, trách nhiệm của cử tri đối với quá trình bầu cử, việc tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người dự kiến được giới thiệu ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là một trong những hoạt động được đánh giá là bước chuẩn bị quan trọng, đảm bảo cho sự thành công của ngày bầu cử sắp tới.
Công khai, minh bạch, dân chủ trong việc lấy ý kiến
Chuẩn bị cho Hội nghị Hiệp thương lần ba, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã bắt tay ngay vào việc tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định. Kỳ bầu cử lần này có nhiều điểm mới, trong đó có việc tất cả những người không đạt 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tại nơi cư trú sẽ không được đưa vào danh sách ứng cử. Đây cũng là lý do khiến các Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hơn ai hết chính cử tri là người cầm lá phiếu quyết định những người xứng đáng đại diện cho mình.
Đảm bảo việc triển khai tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến cử tri một cách dân chủ, đúng quy trình cũng như phát huy được quyền làm chủ của cử tri trong lựa chọn các ứng cử viên là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho Mặt trận Tổ quốc các cấp. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của cử tri, hầu hết các hội nghị này đã được tổ chức công khai, minh bạch và được Mặt trận Tổ quốc các cấp giám sát chặt chẽ.
Để lựa chọn được những đại biểu thực sự gần dân, thực sự cống hiến hết sức mình cho người dân, yếu tố then chốt nhất vẫn là làm sao để người dân có đầy đủ thông tin, tự mình đưa ra được lựa chọn sáng suốt. Nếu ở địa bàn hoặc nơi công tác, ứng viên không có tín nhiệm thì ngay bước sàng lọc đầu tiên sẽ không được đưa vào danh sách. Do đó, ở nhiều nơi, công tác tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tới cử tri, tổ chức hoạt động giúp cử tri nắm được thông tin của các ứng viên, từ đó thể hiện được vai trò làm chủ ngay từ khâu giới thiệu người ứng cử, được Mặt trận Tổ quốc các cấp hết sức chú trọng. Công tác giám sát, tiếp nhận các kiến nghị, đơn thư khiếu nại tố cáo của cử tri cũng được các cấp Mặt trận triển khai.
Bên cạnh việc tổ chức công khai, đúng luật, các hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đã được tổ chức theo hướng thiết thực, không mang tính hình thức, không làm sai lệch thông tin về ứng viên, bởi đây là dữ liệu quan trọng để lựa chọn các ứng viên tiêu biểu nhất đưa vào danh sách bầu cử trong vòng hiệp thương lần ba. Với không khí dân chủ, thẳng thắn tại các hội nghị, rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đã được đưa ra để đánh giá, nhận xét các ưu điểm, thẳng thắn góp ý những tồn tại của các ứng viên. Cử tri đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc nêu các quan điểm. Người dân, cử tri được hiểu rõ về từng ứng cử viên, qua đó được thực hiện đầy đủ quyền giám sát, trên cơ sở đó lựa chọn các đại biểu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ.
Hoàn tất lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri
Tính đến thời điểm này, về cơ bản, các địa phương đã hoàn tất việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri. Ý kiến của cử tri là thước đo về năng lực, uy tín, trí tuệ, phẩm chất đạo đức của các ứng viên. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đã có những ứng viên đạt thấp hơn 50% tín nhiệm của cử tri, có trường hợp đạt 9% hay thậm chí chỉ 2%. Điều này cho thấy các cuộc lấy ý kiến cử tri đã diễn ra rất nghiêm túc.
Đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các địa phương trên địa bàn thành phố đã triển khai thành công các Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với các ứng cử viên, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy, hầu hết các ứng cử viên do cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu đạt được sự đồng thuận, tín nhiệm cao của cử tri nơi cư trú.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố đã tích cực chuẩn bị để tổ chức Hội nghị hiệp thương lần ba đảm bảo đúng luật định và sẽ lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; gửi biên bản Hội nghị Hiệp thương lần ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đến các cơ quan đúng thời gian, nội dung, cách thức theo quy định của pháp luật.
Tính đến ngày 14/4, công tác tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thành đúng quy định.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: Về cơ bản các ứng cử viên được cử tri nơi cư trú và nơi công tác đánh giá cao về mặt uy tín, trình độ. Bên cạnh đó, cũng có một số ít người được giới thiệu hoặc tự ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm thấp. Đây có thể nói là phép thử đầu tiên đối với điều kiện, năng lực, tiêu chuẩn, uy tín của những người tự ứng cử tham gia vào đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.
Theo bà Hương, quan điểm của Mặt trận thành phố Hà Nội đã triển khai và chỉ đạo là hiệp thương phải dân chủ, công bằng, công khai với tất cả mọi ứng cử viên. Do đó, lựa chọn của cử tri nơi công tác, cử tri nơi cư trú là đã góp phần thể hiện sự đánh giá khách quan nhất đối với mỗi ứng cử viên.
Theo kế hoạch, Hội nghị Hiệp thương lần ba diễn ra từ ngày 14 - 18/4. Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú sẽ không được đưa vào danh sách giới thiệu, trừ trường hợp đặc biệt. Với ý nghĩa là quy trình cuối cùng, then chốt trong quy trình 5 bước giới thiệu người ứng cử, việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần ba được yêu cầu diễn ra chu đáo, dân chủ, cẩn trọng, không phân biệt, công tâm, đánh giá toàn diện các ứng cử viên để chọn ra những ứng cử viên ưu tú, xứng đáng nhất cho toàn dân bầu chọn trong ngày bầu cử 23/5 tới.
Ngày 16/4, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ triệu tập, chủ trì tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương. Hội nghị có thành phần tham dự tương tự như các Hội nghị hiệp thương lần trước đó gồm: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại diện Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.