Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử.
Trên cơ sở đó, cử tri cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Có thể nói, các hoạt động tiếp xúc cử tri tới đây của các ứng cử viên thực sự là đợt sát hạch cuối cùng để cử tri, nhân dân cả nước gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng qua những lá phiếu bầu trong ngày bầu cử 23/5 tới.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội có ít nhất là 10 cuộc tiếp xúc cử tri
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV được đánh giá thành công tốt đẹp trên cả ba phương diện: Lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Để đạt được thành công đó, một phần do chất lượng của đại biểu Quốc hội được lựa chọn. Nhiều nơi lựa chọn tốt thì có đại biểu tốt.
Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là trung tâm của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, do đó phải xác định lựa chọn cán bộ vừa có cơ cấu hợp lý, vừa có chất lượng tốt. Trong công tác vận động bầu cử, cố gắng để các ứng cử viên có nhiều thời gian nhất tiếp xúc với cử tri; bảo đảm tính công bằng trong vận động bầu cử, bởi điều gì được làm, không được làm đã được luật quy định rất rõ; nếu có tiêu cực cần xử lý nghiêm, dù là ai cũng phải bình đẳng như nhau.
Căn cứ các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch số 09 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Thông tri số 13/TT MTTW-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện quyền vận động bầu cử, đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.
Trong đó, đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội ít nhất là 10 cuộc; đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc; đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện các nội dung theo kế hoạch; thông báo kịp thời bằng văn bản ít nhất trước 7 ngày cho những người ứng cử về thành phần, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị; tổ chức hội nghị đại diện Ủy ban nhân dân cùng cấp thông báo với những người ứng cử những nội dung cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương để người ứng cử xây dựng, dự kiến chương trình hành động của cá nhân trước khi tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cơ quan liên quan đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, an ninh trật tự, tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri theo quy định, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đảm bảo cho việc tổ chức hội nghị an toàn, đúng pháp luật.
Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 28/4/2021) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24h (trước 7h00 ngày 22/5/2021).
Quy trình tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.
Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri gồm các nội dung sau đây: Tuyên bố lý do; đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử. Sau đó, từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm. Kết thúc hội nghị, người chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri phát biểu ý kiến.
Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương mình gửi đến Ủy ban bầu cử cùng cấp và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.