Sáng 26/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sửa đổi. Theo các đại biểu Quốc hội, luật cần làm rõ về đối tượng kiểm toán, đơn vị kiểm toán, giá trị pháp lý của quyết định kiểm toán, quyền và nghĩa vụ của KTNN, nhiệm kỳ và quyền hạn của Tổng Kiểm toán Nhà nước; xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động KTNN.“Cần quy định rõ giá trị pháp lý của kết luận KTNN. Nếu đơn vị bị kiểm toán không đồng tính với quyết định của KTNN, thì đơn vị bị kiểm toán sẽ khiếu nại ở đâu”, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nêu vấn đề.
Ðại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
|
Cùng quan điểm này, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng: “Căn cứ pháp lý về kết luận của KTNN chưa được quy định cụ thể. Nếu đơn vị bị kiểm toán không đồng tình với kết luận của các đơn vị kiểm toán, hay mâu thuẫn với kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác thì phải làm thế nào, chưa được phân định rõ ràng”.
Theo các đại biểu Quốc hội, hiện các đơn vị chỉ thực hiện khoảng 70 -75% so với kết luận được KTNN đưa ra. Một phần do các đơn vị này chưa thực hiện nghiêm kết luận này. Phần khác là do các đơn vị chưa đồng thuận với kết luận của kiểm toán. Do vậy, cần có các quy định cụ thể để tránh tình trạng này lặp lại.
“Cần quy định rằng, kết luận của Tổng Kiểm toán Nhà nước là quyết định cuối cùng. Đồng thời quy định rõ, thẩm quyền và trình tự để giải quyết xử lý với các báo cáo kết luận khác”, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề nghị.
“Kết luận KTNN là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng, có giá trị bắt buộc thực hiện với những cá nhân, tổ chức liên quan có sai phạm. Cần khẳng định nhiều tổ chức cùng đưa ra đánh giá thì KTNN phải có giá trị cao nhất, vì mang tính độc lập”, đại biểu Phạm Văn Cường đồng quan điểm kiến nghị.
Đồng thời, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng: “Cần quy định rõ mối quan hệ giữa KTNN với các đơn vị kiểm tra khác, nếu đơn vị này vừa bị kiểm toán, vừa bị kiểm tra bởi các cơ quan thanh tra khác”.
Tạo động lực thu hút đầu tư
Ngày 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Bên lề quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đã nhận xét:
Luật Đầu tư (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp này với tỷ lệ phiếu cao cho thấy mong muốn có những cải cách mạnh mẽ hơn trong việc thu hút các nguồn lực xã hội. Việc sửa đổi Luật Đầu tư tuân thủ theo tinh thần của Hiến pháp và thể hiện nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh của công dân trong tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm. Đồng thời, Luật Đầu tư cũng đã đưa ra được danh mục cụ thể, chi tiết ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trên cơ sở này, người dân, doanh nghiệp sẽ chủ động chọn lựa điều mà mình có lợi thế, giảm thiểu các thủ tục hành chính. Theo đó, đầu tư không chỉ bó hẹp đầu tư của nước ngoài mà còn huy động nguồn lực từ trong nước, khơi thông nhiều nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở này, cần có những hướng dẫn và giải pháp cụ thể để thu hút vốn đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản… Đây là những lĩnh vực chưa hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian qua. XM (thực hiện) |
Các đại biểu cho rằng, cần công khai báo cáo, kết luận của KTNN trên trang thông tin của ngành và của Quốc hội. Đồng thời, quy định quyền kiến nghị của các đơn vị bị kiểm toán, cần quy định rõ thẩm quyền khiếu nại của đơn vị bị kiểm toán.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, việc kiểm toán cần tập trung vào các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc nhà nước nắm cổ phần chi phối. “Hiện nay, chúng ta mới chỉ thực hiện kiểm toán ở các doanh nghiệp nhà nước là chưa đầy đủ. Cần kiểm toán cả các doanh nghiệp cổ phần mà có phần vốn của Nhà nước”, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho biết.
Nhiều đại biểu cho rằng, trước khi Quốc hội thông qua báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước thì tất cả 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành sử dụng ngân sách Nhà nước phải được kiểm toán để tránh tình trạng báo cáo quyết toán ngân sách đã được thông qua nhưng sau đó lại phát hiện đơn vị vi phạm trong sử dụng ngân sách.
Hữu Vinh