Từ ngày 21-22/6, tại Hà Nội, Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) phối hợp với Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN của Việt Nam, Chương trình ASEAN-U.S. PROGRESS, Chính phủ Australia, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức hội thảo khu vực về "Chiến lược phòng chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em: Tăng cường tiếp cận thông tin và hệ thống bảo vệ cộng đồng".
Tham dự Hội thảo có, đại diện các nước ASEAN tại Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN, các cơ quan liên quan của Chính phủ các nước ASEAN, một số cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ có quy chế tham vấn với Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về hệ thống pháp luật và chính sách khu vực trong phòng chống mua bán người, cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong xây dựng, triển khai các chiến lược phòng chống mua bán người, các thách thức, phương hướng thúc đẩy hợp tác quốc tế, khu vực trong việc tăng cường tiếp cận thông tin và hệ thống bảo vệ cộng đồng trong phòng chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, biện pháp về phòng chống mua bán người, kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực và huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy các nỗ lực này.
Các đại biểu cho rằng chiến lược phòng chống mua bán người có mối liên hệ chặt chẽ với các vấn đề khác về mua bán người, cần cách tiếp cận liên ngành và nỗ lực chung không chỉ của các Chính phủ, các cơ quan chuyên môn, mà còn của các bên liên quan trong khu vực và thế giới, các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Do đó, ASEAN hoan nghênh, khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình tham vấn, triển khai chính sách liên quan đến phòng chống mua bán người, xây dựng Cộng đồng ASEAN “hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”.
Hội thảo đã đưa ra một số khuyến nghị về nâng cao hiệu quả của các chiến lược phòng chống mua bán người, nhấn mạnh các cam kết quốc tế và khu vực như Công ước ASEAN về phòng chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP), Kế hoạch hành động ASEAN về thực thi ACTIP (APA), Kế hoạch hành động Bohol về phòng chống mua bán người (2017-2020), Công ước Liên hợp quốc về phòng chống mua bán người (UNTOC), Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc (2005)… là những văn kiện nền tảng và công cụ cần thiết để tăng cường hợp tác trong phòng chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.