Một phiên họp tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Mở rộng phạm vi điều chỉnh
So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế. Trong đó, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp là Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Cụ thể, Luật quy định điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam cho dù hành vi được thực hiện ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý để điều tra, xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra tại đâu nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với cạnh tranh trên thị trường Việt Nam, góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cho thị trường trong nước.
Quy định này cũng giúp cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Để đảm bảo tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, Luật quy định Ủy ban cạnh tranh Quốc gia thông qua các cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương, có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.
Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, cơ quan cạnh tranh sẽ hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước thông qua các diễn đàn quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn cạnh tranh quốc tế (ICN), Diễn đàn cạnh tranh các nước Đông Á và các thỏa thuận hợp tác song phương giữa các cơ quan cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sẽ rất hiệu quả khi hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng và độ mở ổn định của nền kinh tế của Việt Nam rất lớn. Dẫn chứng việc các hãng hàng không, hãng vận tải biển có thể liên kết với các hãng hàng không khác để gây ảnh hưởng đến sự cạnh tranh tại Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc quy định hành vi của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều phải chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) là rất cần thiết.
Cho rằng thời gian qua đã có nhiều thương vụ tập trung kinh tế và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng ảnh hưởng đến cạnh tranh trên thị trường trong nước, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh (Hà Nội) tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh. Đại biểu dẫn chứng, gần đây thương vụ Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng cũng như quyền lợi của các tài xế tại Việt Nam.
Nếu không có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi này và các hành vi tương tự trong tương lai thì cơ quan cạnh tranh khó có thể can thiệp để bảo vệ môi trường cạnh tranh quốc gia, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quốc gia mình, nhất là trong bối cảnh nền cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ dẫn tới việc nhiều hình thức kinh doanh, doanh nghiệp có thể không cần hiện diện thương mại tại quốc gia khác để thực hiện cung ứng dịch vụ tại quốc gia đó.
Luật cũng quy định bổ sung cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan vào đối tượng áp dụng nhằm bao quát mọi chủ thể có thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Việc quy định mở rộng đối tượng áp dụng phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế chung của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp để thúc đẩy cạnh tranh, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, không phân biệt đối xử.
Tăng hiệu quả thực thi của cơ quan cạnh tranh
Luật quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trên quan điểm tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh năm 2004 bao gồm Cơ quan quản lý cạnh tranh (hiện nay là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) và Hội đồng Cạnh tranh (bao gồm cả bộ phận giúp việc là Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh).
Đây là điểm mới quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi của cơ quan cạnh tranh. Mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phù hợp với xu hướng chung của thế giới đồng thời giúp thu giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với bối cảnh kinh tế, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Luật quy định cụ thể mô hình, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhằm bảo đảm vị thế và tính độc lập của cơ quan này trong tiến hành tố tụng cạnh tranh, qua đó tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan này. Trong tố tụng cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan tiến hành thông suốt các hoạt động tố tụng từ phát hiện, điều tra đến xử lý hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Ngoài ra, cách tiếp cận về kiểm soát tập trung kinh tế trong Luật có sự thay đổi căn bản. Theo đó, tập trung kinh tế được coi là quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh gắn với quyền tự do kinh doanh. Luật không quy định cấm tập trung kinh tế một cách cứng nhắc dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan như trong Luật Cạnh tranh năm 2004 mà thay vào đó chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Doanh nghiệp được tiến hành tập trung kinh tế nếu việc tập trung kinh tế không tác động tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, với quy định này, Luật đã thể hiện được quan điểm tiến bộ là luôn tôn trọng và cho phép doanh nghiệp được quyền thông qua hoạt động tập trung kinh tế để phát triển kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Nhà nước thực hiện quyền kiểm soát bằng pháp luật để đảm bảo việc tập trung kinh tế không gây tác động tiêu cực tới môi trường cạnh tranh và chỉ can thiệp trong trường hợp việc tập trung kinh tế có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường cạnh tranh.